Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

NHỊP SỐNG TRẺ Noi gương anh hùng Lý Tự Trọng

Tuổi 17, Lý Tự Trọng đã ghi tên mình vào sử sách với câu nói bất hủ: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng chứ không thể có con đường nào khác”. Lời hiệu triệu ấy đến nay vẫn đặt lên vai người trẻ bao suy tư khi nghĩ về Tổ quốc.
Không chỉ tự hào, đó còn là sự khâm phục và nhiều điều mà thế hệ trẻ hôm nay có thể học được khi nói về anh hùng trẻ tuổi Lý Tự Trọng - một trong những đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên được Bác Hồ huấn luyện.
Anh Nguyễn Võ Quốc Cao (Nhà Bè) cho rằng bản lĩnh chính trị và một tinh thần thép là điều mà anh thấy nổi bật nhất ở con người Lý Tự Trọng. “Trước khi lên máy chém anh vẫn lạc quan hát vang Quốc tế ca, điều không phải thanh niên nào cũng làm được” - Quốc Cao ngưỡng mộ.
Theo phó hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng (TP.HCM) Hà Tài Sáu, lời khẳng định đanh thép “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng chứ không thể có con đường nào khác” của “ông nhỏ” Lý Tự Trọng trước tòa đại hình Pháp 83 năm trước đến nay vẫn được nhiều thế hệ thanh niên VN xem như tuyên ngôn về lập trường sống và chiến đấu của thế hệ trẻ.
“Dù vẫn còn hạn chế nhưng thanh niên hôm nay đã tự tin hơn khi hội nhập với quốc tế, đã biết chia sẻ với cộng đồng, quan tâm đến vận mệnh đất nước, sống có hoài bão và lý tưởng” - anh Sáu nhìn nhận.
Phần nhiều các phát biểu đều chia sẻ rằng hướng người trẻ đến những giá trị tốt đẹp có vai trò rất lớn của tổ chức Đoàn.
Bạn Đỗ Hữu Duy Anh (Q.4) nghĩ rằng để có thể làm những điều lớn hơn, mỗi bạn trẻ hôm nay phải trang bị cho mình một nền tảng vững chắc.
“Đó chính là biết và giữ gìn những giá trị truyền thống của dân tộc, học những điều nhỏ nhất từ anh em quanh mình để tự tin hội nhập quốc tế” - Duy Anh nói.
Nguyên hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng Hoàng Đôn Nhật Tân mong muốn làm sao nhiều điển hình tiêu biểu của thanh niên phải đến được với đông đảo giới trẻ.
“Thanh niên luôn có nhu cầu ngưỡng mộ những anh hùng, người tài giỏi nên làm sao để họ tiếp cận được với nhiều tấm gương sáng như thế, họ sẽ được truyền lửa và xây dựng được cho mình lý tưởng sống cao đẹp” - ông Tân chia sẻ.
Anh Quốc Cao nhấn mạnh phải quyết liệt đổi mới cách tuyên truyền của Đoàn, sao cho trực quan sinh động và hấp dẫn người trẻ hơn. “Công tác Đoàn phải đi vào chiều sâu, đừng quá quan tâm số lượng đông đảo bạn trẻ đến với hoạt động, mà cái chính là sau mỗi hoạt động ấy có bao nhiêu bạn trẻ chuyển biến nhận thức và hành động” - anh Cao đề xuất.
Đúc kết tọa đàm, trưởng Ban tuyên giáo Thành đoàn TP.HCM Nguyễn Thị Hương cho rằng mỗi bạn trẻ TP hiểu rõ trách nhiệm thôi chưa đủ mà còn phải biến thành hành động cụ thể.
“Từ hình tượng anh hùng Lý Tự Trọng, từ sự trân trọng dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông ra đi, mong rằng mỗi bạn trẻ TP noi gương bằng cách luôn giữ cho mình suy nghĩ phải tham gia, góp phần vào phát triển kinh tế, xây dựng TP, đất nước phát triển” - chị Hương nói.

“CHỈ THỊ THÀNH LẬP ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN” SOI SÁNG SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TÍNH NHÂN DÂN CỦA QUÂN ĐỘI TA

CHỈ THỊ THÀNH LẬP
ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN
SOI SÁNG SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
TÍNH NHÂN DÂN CỦA QUÂN ĐỘI TA

                                                 
                                                          Thượng tá, Ths Nguyễn Việt Hường*[1]
                                                                                 
        Theo chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quân đội cách mạng với tư cách là một tổ chức quân sự, một lực lượng vũ trang của Đảng là: “tuyên truyền”, “chính trị trọng hơn quân sự”[2]. Điều đó có nghĩa là quân đội không thuần tuý thực hiện nhiệm vụ quân sự, mà là một tổ chức vũ trang thực hiện những nhiệm vụ theo yêu cầu của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Người giải thích rõ thêm nội dung nhiệm vụ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là “đội tuyên truyền”, “một đội quân đầu tiên”. Nhiệm vụ của “đội tuyên truyền”, “đội quân đầu tiên” này phải “dìu dắt…, giúp đỡ…, “huấn luyện”[3] các cán bộ vũ trang ở các địa phương để phát triển lên, làm nòng cốt cho cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của nhân dân ta; đồng thời còn phải “tuyên truyền”, “vận động” quần chúng nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, thực hiện các nhiệm vụ của cách mạng.
Do điều kiện lịch sử cụ thể của dân tộc quy định, nên khác với hầu hết quân đội các nước xã hội chủ nghĩa, đại đa số quân nhân trong quân đội ta, trước kia cũng như hiện nay đều là con em của nhân dân lao động, chủ yếu là nông dân, sinh ra và lớn lên ở nông thôn. Đó thực sự là một “quân đội nhân dân, do nhân dân đẻ ra”[4] và  “…nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”[5]. Vì vậy, quá trình trưởng thành của mỗi quân nhân có những đặc điểm riêng, song đều có cái chung là sự lãnh đạo, giáo dục của Đảng, sự tôi luyện trong tổ chức quân sự và hoạt động quân sự, sự nuôi dưỡng, giáo dục và rèn luyện của nhân dân. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Phải dựa vào dân", "bám lấy dân", làm sao cho được "dân tin, dân mến, dân yêu"; bộ đội ta thực sự sống trong lòng dân, gắn bó mật thiết với nhân dân như cá với nước. Có thể nói, bản chất và truyền thống của quân đội ta vừa kế tục trung thành, vừa góp phần bồi đắp, phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Suốt 70 năm qua, quân đội ta đã luôn luôn tỏ rõ: “Trung với nước, hiếu với dân”, “Trung với Đảng, hiếu với dân”[6]. Bác Hồ và Đảng ta đã rèn luyện quân đội trở thành quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng. Quân đội ta kế thừa và phát triển truyền thống bất khuất hơn bốn nghìn năm của dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước chân chính và tinh thần quốc tế vô sản, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, quyết chiến thắng mọi kẻ thù hung bạo, có tiềm lực lớn. Đảng đã xây dựng thành một Quân đội nhân dân chân chính, một quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân trong điều kiện một nước nông nghiệp lạc hậu, thể hiện đậm nét đặc sắc quân đội mang tính nhân dân. Tính nhân dân của quân đội ta thể hiện rất phong phú, sinh động trong chỉ thị và trong thực tiễn xây dựng chiến đấu, trưởng thành.
Trước hết, tính nhân dân của quân đội ta thể hiện tập trung bởi quân đội là công cụ bạo lực sắc bén của Đảng trong cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc nhằm thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, vấn đề tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân là phẩm chất quan trọng hàng đầu của quân đội ta. Mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân,  Trung với Đảng là phấn đấu, hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng đó. Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng cộng sản Việt Nam, được biểu hiện tập trung nhất ở lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Đó là lý tưởng mang tính cách mạng và khoa học sâu sắc, thấm đượm bản chất nhân văn cao đẹp, phản ánh đúng đắn quy luật phát triển của xã hội Việt Nam, phù hợp với xu thế của thời đại, đáp ứng khát vọng thiêng liêng tự giải phóng, giành quyền độc lập, tự do, hạnh phúc và vươn lên làm chủ của các thế hệ người Việt Nam trong suốt hành trình lịch sử dân tộc.
Lý tưởng chiến đấu của quân đội ta kết tinh ý Đảng, lòng dân, đồng thời biểu hiện tình cảm sâu nặng và trách nhiệm chính trị - đạo đức của quân đội đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; định hướng cho thái độ và hành động của cán bộ, chiến sĩ quân đội, cổ vũ tính tích cực xã hội của mỗi quân nhân để chủ động, tự giác rèn luyện, phấn đấu thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Lý tưởng chiến đấu đó là yếu tố cốt lõi nhất, quyết định nhất trong bản chất của quân đội ta, tạo nên sự đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa quân đội với nhân dân, xây đắp nên tính nhân dân của quân đội ta bằng biểu tượng "Bộ đội Cụ Hồ".
Thứ hai, tính nhân dân của quân đội có cơ sở xuất phát của quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, một quân đội của dân, do dân, vì dân. Hiếu với dân cũng là phẩm chất quan trọng hàng đầu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Quân với dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau, nhân dân là "nền tảng", là "cha mẹ" của bộ đội”[7]. Trong quan hệ "cha mẹ - con cháu", chữ hiếu bao giờ cũng là giá trị cao nhất, cơ bản nhất, xuyên suốt của đạo con cháu. Tội lớn nhất của con cháu đối với cha mẹ là tội bất hiếu. Phẩm chất hiếu với dân của quân đội ta không chỉ do quân đội được sinh ra và lớn lên từ nhân dân, trong lòng nhân dân, mà còn được quy định bởi sự thống nhất về mục tiêu, lý tưởng của nhân dân và quân đội. Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, quân đội không có mục đích tự thân nào khác. Bao trùm nhất của lòng hiếu với dân của quân đội ta là: "vì nhân dân chiến đấu, vì nhân dân phục vụ", vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đó vừa là mục tiêu chiến đấu, vừa là phương châm hành động của tất cả cán bộ, chiến sĩ quân đội ta.
      Phẩm chất cao đẹp hiếu với dân của quân đội ta nói lên tính chất nhân dân của quân đội cách mạng, khác hẳn về chất so với quân đội làm công cụ cho giai cấp bóc lột, quân đội đánh thuê của chủ nghĩa đế quốc đứng ngoài, thậm chí đối lập với nhân dân. Chỉ có quân đội cách mạng mới có thể có đầy đủ nguồn sức mạnh từ nhân dân, nguồn sức mạnh vô tận, không bao giờ cạn kiệt, bảo đảm sự trưởng thành và chiến thắng của quân đội ta, thể hiện ưu thế hơn hẳn so với quân đội của chủ nghĩa đế quốc. Chính vì vậy, tăng cường mối quan hệ quân - dân luôn luôn là yêu cầu cơ bản của việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong tất cả các giai đoạn cách mạng; đồng thời đó còn là đòi hỏi của việc không ngừng củng cố, bồi đắp phẩm chất hiếu với dân của quân đội. Hiếu với dân không chỉ biểu hiện ở những thành tích huy hoàng của quân đội trong chiến đấu chống kẻ thù của đất nước, của nhân dân, mà còn biểu hiện ở tình cảm "thương yêu dân", ở hành động giúp đỡ dân, bảo vệ dân, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với dân, không đụng đến "cái kim, sợi chỉ" của nhân dân... được nhân dân yêu mến, tin tưởng, "đi dân nhớ, ở dân thương".
Thứ ba, tính nhân dân của quân đội ta còn được thể hiện sâu sắc trong quá trình thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của quân đội. Với chức năng là đội quân chiến đấu, quân đội ta thực sự làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc, hỗ trợ tích cực cho đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang của quần chúng nhân dân, chiến đấu ngoan cường, dũng cảm để giải phóng và bảo vệ đất nước, xả thân hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản và hạnh phúc của nhân dân. Đồng thời sức mạnh chiến đấu của quân đội ta dựa chắc trên cơ sở sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân. Nhân dân luôn hết lòng cưu mang, đùm bọc, che chở cán bộ, chiến sĩ quân đội; cung cấp sức người, sức của, nuôi dưỡng tinh thần quyết chiến, quyết thắng, cùng bộ đội đánh giặc, giải phóng quê hương, bảo vệ  biên giới, biển - đảo chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc. Quân đội ta tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh, xung kích đến vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, gian khổ để xây đựng các khu kinh tế - quốc phòng, các công trình có ý nghĩa chiến lược của đất nước.
     Trong công tác dân vận quân đội ta luôn gắn bó mật thiết, đồng cam cộng khổ với nhân dân, thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, giữ vững ổn định chính trị của đất nước. Chính trong hoạt động dân vận, bám nắm địa bàn, bộ đội cùng nhân dân kịp thời phát hiện và đấu tranh làm thất bại nhiều âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Khi có những vấn đề phức tạp nảy sinh, bộ đội phối hợp chặt chẽ với cáp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân xử lý đúng đắn, có hiệu quả tình huống, ổn định tình hình. Thông qua công tác dân vận và thực hiện nghiêm túc 12 điều kỷ luật dân vận, những phẩm chất tốt đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ" tiếp tục được bồi dưỡng, rèn luyện và kiểm nghiệm nghiêm ngặt, được tỏa sáng trong lòng nhân dân. Quân đội ta cũng là lực lượng xung kích trong cứu hộ, cứu nạn, giúp dân phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn; nhiều đồng chí quên mình xả thân trong hiểm nguy để cứu tính mạng và bảo vệ tài sản của nhân dân.  
   Trải qua bảy thập kỷ, học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong quá trình xây dựng, chiến đấu và công tác, thành phần xuất thân của đa số quân nhân, từ buổi đầu thành lập cho đến bây giờ, chủ yếu là nông dân, nhưng quân đội ta luôn luôn giữ vững và không ngừng phát triển bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân của mình, thực sự là quân đội của dân, do dân, vì dân. Trong suốt chặng đường xây dựng và trưởng thành, quân đội ta luôn xứng đáng là công cụ bạo lực sắc bén, là lực lượng chính trị tin cậy, tuyệt đối trung thành của Đảng, Tổ quốc và nhân dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Tổ quốc và nhân dân giao phó.
      Đối với nước ta hiện nay, các thế lực thù địch vẫn ráo riết đẩy mạnh chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ, ra sức lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền chống phá độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chúng tập trung phủ nhận nền tảng tư tưởng, đường lối, quan điểm và sự lãnh đạo của Đảng; mưu toan "phi chính trị hóa" quân đội, chia rẽ Đảng và quân đội với nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bên cạnh đó, những tiêu cực trong xã hội, như nạn tham nhũng, tệ quan liêu, sự suy thoái về chính trị- tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và những tệ nạn xã hội khác, có tác động tiêu cực không nhỏ đến nhận thức, tình cảm và lòng tin của nhân dân. Vì vậy, việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, củng cố quan hệ máu thịt giữa quân đội với nhân dân, bồi đắp tính nhân dân của quân đội là một nội dung có ý nghĩa chiến lược, mang tính cấp thiết hiện nay./.
     
 




[1]* Chủ nhiệm Bộ môn, Khoa Triết học Mác - Lênin    
[2] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 3, Nxb CTQG, H. 2009, tr 507
[3] Sđ d, tr. 507
[4] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H. 2009, tr 392-393
[5]Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H. 2009, tr 392-393
[6] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, H.2000, tr.350

[7] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H. 2009, tr 392-393