Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Liệu có quyền văn hóa ở Việt Nam ?


Thành tựu to lớn của Việt Nam trong bảo đảm quyền văn hóa của các dân tộc thiểu số
QĐND - Chủ Nhật, 17/11/2013, 20:40 (GMT+7)
QĐND - Những ngày gần đây, sự kiện Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ với số phiếu cao nhất được bạn bè thế giới vui mừng đón nhận, coi đây là vinh dự, trách nhiệm, đồng thời là sự tin tưởng của LHQ vào chính sách bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động và một số kẻ chống cộng cuồng tín lại hậm hực và ra sức xuyên tạc về thành tựu bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Một trong những nội dung mà họ đang tiếp tục bịa đặt, bôi nhọ Việt Nam là việc bảo đảm quyền văn hóa của các dân tộc thiểu số. Bằng những thủ đoạn cũ, họ tung lên các trang mạng điện tử, các blog, facebook… các bài viết “phê phán” Nhà nước ta tiến hành “những chiến dịch trừ tiệt văn hóa, cuộc sống truyền thống, tín ngưỡng và tập tục của các dân tộc ít người, đưa tới hậu quả gạt bỏ họ sang bên lề xã hội” hay “các chính sách quản lý nhà nước đã khiến cho các đơn vị xã hội cơ sở đó bị phá vỡ, hoặc biến dạng, các dân tộc chỉ có quyền giữ phần ngọn, còn phần gốc chưa hề được bảo vệ bởi các công cụ pháp lý”…
Sự thật về bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam như thế nào?
Bức tranh tươi sáng về giáo dục-đào tạo
Nhiều nước trên thế giới đều biết sự kiện chiều 15-3-2011, tại Hội đồng Nhân quyền LHQ (ở Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ), Chuyên gia độc lập về các vấn đề thiểu số, bà G.McDougall đã trình bày kết quả chuyến khảo sát Việt Nam, qua đó đánh giá cao việc Việt Nam coi cộng đồng các dân tộc thiểu số là bộ phận cấu thành của dân tộc Việt Nam. Bà G.McDougall  cũng hoan nghênh quyết tâm chính trị, các chính sách, biện pháp và chương trình của Chính phủ nhằm bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số trên mọi lĩnh vực. Cũng tại hội nghị này, Đại sứ Vũ Dũng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh LHQ, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ, đã khẳng định việc bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số, nhất là quyền phát triển luôn là ưu tiên cao của Việt Nam, thể hiện trong luật pháp, chính sách, các chương trình quốc gia và Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đặc biệt về xóa đói giảm nghèo, giáo dục, y tế, tạo việc làm, giữ gìn bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống của các dân tộc thiểu số.
Ngược dòng lịch sử, người viết bài này đặc biệt ấn tượng khi được biết, ngay từ văn kiện đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội lần thứ nhất (3-1935), trong điều kiện Đảng đang bị thực dân, đế quốc đàn áp ráo riết, nhưng nghị quyết của Đảng đã khẳng định: “Các dân tộc được dùng tiếng mẹ đẻ của mình trong sinh hoạt chính trị, kinh tế và văn hóa”. Quan điểm trên được xuyên suốt qua các thời kỳ cách mạng, được tiếp tục khẳng định qua các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề bảo đảm quyền hưởng thụ văn hóa, nhất là quyền học và dạy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Từ khi giành được độc lập (năm 1945) đến nay, chính sách, pháp luật nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đối với các dân tộc là: Đoàn kết, bình đẳng, thương yêu, tôn trọng giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc. Điều 5, Hiến pháp năm 1992, quy định: “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phát huy những phong tục tập quán truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”.
Gần đây nhất, ngày 15-11-2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi gặp mặt thân mật học sinh giỏi người dân tộc thiểu số. Chủ tịch nước biểu dương 105 em học sinh người dân tộc thiểu số  đã phấn đấu vươn lên giành nhiều giải cao trong các kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013, trong đó 96 em đạt giải học sinh giỏi quốc gia, 9 em đỗ thủ khoa các trường đại học với số điểm 28 điểm trở lên. Các em như Giàng A Hồng (dân tộc Mông, thủ khoa Trường Đại học Nội vụ), Lý Thu Hằng (dân tộc Nùng, đoạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia)… đã phát biểu bày tỏ sự cảm động trước sự quan tâm, ưu tiên bằng những chính sách cụ thể của Đảng, Nhà nước để học sinh người dân tộc thiểu số được học tập trong điều kiện tốt nhất.
105 học sinh giỏi nói trên là minh chứng cụ thể nhất trong việc bảo đảm quyền được giáo dục và đào tạo, một quyền cơ bản, quan trọng nhất về quyền văn hóa của các dân tộc thiểu số. Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, trong thời gian qua, công tác giáo dục và đào tạo ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đạt được nhiều thành tựu quan trọng. 100% xã đã có trường tiểu học, hơn 95% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, gần 90% số xã đặc biệt khó khăn đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Để đẩy mạnh GD-ĐT trong đồng bào dân tộc thiểu số, Nhà nước Việt Nam có sáng kiến phát triển các loại hình trường nội trú, bán trú, dự bị đại học dân tộc. Tính đến năm 2011, đã có 295 trường phổ thông dân tộc nội trú ở 50 tỉnh, với gần 90.000 học sinh theo học, tăng 73% so với năm 1998. Về loại hình trường phổ thông dân tộc bán trú, đến năm 2011 đã có 1.657 trường với khoảng 150.000 học sinh dân tộc thiểu số theo học, tăng hơn 250% so với năm 2001. Về loại hình trường dự bị đại học, đã có 7 trường ra đời và đào tạo gần 14.000 học sinh với 95% học sinh đủ điều kiện vào đại học. Cùng với đó, chính sách ưu tiên người dân tộc thiểu số vào học đại học, cao đẳng đã đưa 14.283 sinh viên của 53 dân tộc thiểu số vào đại học, cao đẳng. Như vậy, đến nay, 100% các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đều đã có người tốt nghiệp đại học, cao đẳng.
Tiếng nói, chữ viết được bảo tồn và phát triển
Bảo tồn tiếng nói, chữ viết cho các dân tộc thiểu số là vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong chính sách giáo dục của Nhà nước Việt Nam. Trước đây, trong các dân tộc thiểu số ở nước ta, chỉ có dân tộc Hoa, Chăm, Khơ-me là có sẵn tiếng nói và chữ viết riêng, còn lại hầu hết các dân tộc thiểu số khác chỉ có tiếng nói mà chưa có chữ viết riêng. Ngày 22-2-1980, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định 53/CP, xác định: "Tiếng nói và chữ viết của mỗi dân tộc thiểu số Việt Nam vừa là vốn quý của dân tộc đó, vừa là tài sản văn hóa chung của cả nước". Quyết định này tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu khoa học, nhà văn hóa, nhà nghiên cứu dân tộc tiến hành La-tinh hóa cách phát âm ngôn ngữ của một số dân tộc, phương pháp mà nhà truyền giáo A-lếch-xăng Đờ Rốt đã làm trước đây với chữ Nôm để xây dựng chữ quốc ngữ. Đến nay, gần 30 dân tộc thiểu số có chữ viết, như các dân tộc: Tày, Thái, Hoa, Khơ-me, Nùng, Mông, Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Xơ Đăng, Kơ Ho, Chăm, Hrê, M'nông, Raglai... Nhiều ngôn ngữ, chữ viết dân tộc thiểu số được sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương tới các địa phương, như: Tày, Thái, Dao, Mông, Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Chăm, Khơ-me…  Thành tựu này cho thấy nỗ lực to lớn của Nhà nước Việt Nam trong bảo tồn, phát triển chữ viết các dân tộc thiểu số.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, khẳng định: “Bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc. Đi đôi với việc sử dụng tiếng nói, chữ viết phổ thông, khuyến khích thế hệ trẻ thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số học tập, hiểu biết và sử dụng thành thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình…”. Ngày 14-1-2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc, trong đó khẳng định: "Tiếng nói, chữ viết và truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được đưa vào chương trình giảng dạy trong các trường phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học phù hợp với địa bàn vùng dân tộc".
Theo tổng hợp của Ủy ban Dân tộc, tính đến cuối năm 2009, đã có gần 30 tỉnh tổ chức dạy và học tiếng dân tộc thiểu số; cả nước đã biên soạn giáo trình bằng 12 thứ tiếng dân tộc; 1.200 công trình nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa của 10 dân tộc thiểu số được đưa lên sóng phát thanh-truyền hình. Cả nước hiện có 200.000 học sinh ở hơn 600 trường đang theo học tiếng dân tộc.
Nền văn hóa phát triển thống nhất trong đa dạng
Quyền văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam còn thể hiện ở quyền tham gia các hoạt động văn hóa của người dân tộc thiểu số. Tất cả các quyền thuộc lĩnh vực văn hóa tinh thần được pháp luật bảo hộ, được cả hệ thống chính trị đồng lòng triển khai thực hiện, nhằm xây dựng nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc. Điều đó được minh chứng rõ nét khi sự phát triển các hình thức sinh hoạt văn hóa của các dân tộc thiểu số ngày càng phong phú, đa dạng, kết hợp giữa văn hóa truyền thống và hiện đại trong xu thế giao lưu, hội nhập. Người dân tộc thiểu số ở tất cả các vùng miền được tham gia hoạt động văn hóa mang bản sắc dân tộc, 100% các xã có trạm truyền thanh, 92% đồng bào được nghe đài phát thanh, 85% được xem truyền hình với nhiều chương trình phát bằng tiếng Mông, Thái, Ê Đê, Chăm, Khơ-me… Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc trong những năm qua được cải thiện rõ rệt, mức hưởng thụ văn hóa được nâng cao. Nhiều giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát triển, được công nhận di sản văn hóa thế giới như “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, “Khu di tích Mỹ Sơn”, “Cao nguyên đá Đồng Văn”. Năm 2011, Việt Nam bắt đầu tổ chức trình diễn trang phục 54 dân tộc và thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam…
Nghị quyết Đại hội XI của Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”, trong đó “các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Trong thực tiễn, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định chăm lo đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, mà còn là chính sách nhất quán “thực hiện công bằng trong từng bước phát triển”, nhằm tri ân đối với đồng bào có công với cách mạng trong những thời kỳ khó khăn trước đây.
Dù các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc, bịa đặt, nhưng thành tựu to lớn trong việc bảo đảm quyền văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam là thực tế sinh động, không thể phủ nhận!
HỒNG HẢI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét