Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014
Lê Trọng Tấn: vị tướng chỉ huy xuất sắc của quân đội ta
Đại tướng Lê Trọng Tấn (1-10-1914 – 5-12-1986) tên thật là Lê Trọng Tố, bí danh Ba Long (khi ở chiến trường miền Nam), sinh ra trong một gia đình trí thức có truyền thống cách mạng tại xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay thuộc quận Hà Đông, Hà Nội).
Năm 1944, ông tham gia Việt Minh, được phân công làm công tác địch vận tại khu vực Hoàng Mai-Hà Nội. Tháng 3-1945, ông là thành viên trong Ủy ban chuẩn bị khởi nghĩa tỉnh Hà Đông, được cử về tuyên truyền, tổ chức và xây dựng lực lượng vũ trang tại Ứng Hòa, La Khê, La Cả (Hà Đông). Tháng 8-1945, ông tham gia Ủy ban khởi nghĩa Hà Đông, phụ trách quân sự.
Tháng 12-1945, ông được kết nạp vào Đảng. Trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, ông chỉ huy Tiểu đoàn 60, Trung đoàn 37 chiến đấu tại mặt trận Hà Đông, một cửa ngõ quan trọng phía Tây Thủ đô. Ông tổ chức diệt đồn Đồng Quan và giành thắng lợi trận đầu tiên. Ngày 23-8-1947, ông được phân công làm Khu trưởng Khu 13 khi đang giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn Sơn Tây.
Ngày 25-1-1948, ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Khu 10. Năm 1949, theo quyết định của Bộ Tổng chỉ huy, Trung đoàn 209 chủ lực đầu tiên của Liên khu 10 chuyển thành trung đoàn mạnh, trực thuộc Bộ, mang danh hiệu Trung đoàn Sông Lô. Khi đó ông là Phó Tư lệnh Liên khu 10 được bổ nhiệm là Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy đầu tiên.
Ngày 27-12-1950, Đại đoàn 312 (Đại đoàn Chiến Thắng) được thành lập, ông là Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy đầu tiên, khi 36 tuổi. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Đại đoàn 312 do ông chỉ huy đánh trận mở đầu thắng lợi vào cứ điểm Him Lam ngày 13-3-1954.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 24-10-1973, Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết Thắng), binh đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của Quân đội ta (bao gồm cả Sư đoàn 312) được thành lập. Thiếu tướng Lê Trọng Tấn được chỉ định là Tư lệnh đầu tiên.
Đại tướng Lê Trọng Tấn là vị tướng trận mạc, ông luôn có mặt ở những chiến trường gai góc, ác liệt và nóng bỏng nhất, có khả năng làm xoay chuyển cục diện trận đánh, trăm trận trăm thắng. Các nhà khoa học quân sự và quân đội các nước anh em kính nể, học tập ông về tài năng, đức độ và tầm nhìn chiến lược, chiến thuật, nghệ thuật quân sự xuất sắc. Các cán bộ, chiến sĩ yêu mến gọi ông là “Giu Cốp của Việt Nam”, luôn đoàn kết, một lòng tin tưởng vào tài năng, đức độ, thông minh, sáng tạo, nhanh nhạy, quyết đoán của mình.
Năm 1973, trong một buổi gặp gỡ với các tướng lĩnh Việt Nam, Chủ tịch Cu Ba Phiđen Caxtrô bắt tay tướng Lê Trọng Tấn rồi tươi cười hỏi mọi người xung quanh: “Đây có phải là vị tướng đánh hay nhất Việt Nam phải không ?”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp vui vẻ trả lời: “Đúng, đây là một trong những vị tướng giỏi nhất Việt Nam qua các thời đại”. Tại cuộc Hội thảo kỷ niệm 10 năm ngày mất Đại tướng Lê Trọng Tấn (tháng 12-1996), Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Người Anh Cả của Quân đội ta đánh giá tướng Tấn xứng đáng “hai lần anh hùng”(1) do đã chỉ huy quân xuất sắc bắt sống tướng Đờ Cát ở Điện Biên Phủ (năm 1954) và bắt sống nội các Sài Gòn (năm 1975).
Suốt cuộc đời hoạt động liên tục và vô cùng sôi nổi, Đại tướng Lê Trọng Tấn đã đảm nhiệm các chức trách: Từ 12-1954 đến 1960, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân; tháng 3-1961 đến 1962, là Phó Tổng tham mưu trưởng, trực tiếp là Tư lệnh Mặt trận đường 9 (1971); năm 1972, là Tư lệnh Chiến dịch Trị Thiên; năm 1973 là Phó Tổng tham mưu trưởng kiêm Tư lệnh Quân đoàn 1; tháng 3-1975, là Tư lệnh Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng, Chỉ huy cánh quân phía Đông đánh thẳng vào Sài Gòn; tháng 4-1975, là Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh; từ 1976 đến 2-1977, ông được cử làm Giám đốc Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng); từ 12-1978 đến 2-1979, ông được Bộ Chính trị cử trực tiếp Chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân trong Chiến tranh biên giới Tây Nam; từ 6-1978 đến 1986, ông là Thứ Trưởng Bộ Quốc phòng, là Tổng Tham mưu trưởng, Ủy viên Thường vụ Đảng uỷ Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương). Là Ủy viên Trung ương Đảng các khoá IV, V; Đại biểu Quốc hội khoá VII.
Ông là Tư lệnh của những chiến dịch lớn có tính chất quyết định trên các chiến trường: Bình Giã, Đồng Xoài, Bàu Bàng - Dầu Tiếng, Đường 9 Nam Lào, Mặt trận Trị Thiên (B5); Tư lệnh chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Tư lệnh cánh quân Duyên Hải (do chính ông đề xuất thành lập) tiến vào Sài Gòn sớm nhất vào Mùa xuân 1975; Chiến dịch biên giới Tây Nam 1978 - 1979 và biên giới phía Bắc 2-1979…
Trên các cương vị công tác, Đại tướng đã mang hết tài năng và nghị lực phấn đấu thực hiện thắng lợi đường lối, nhiệm vụ chính trị, quân sự của Đảng, đồng thời có nhiều đóng góp trong phát triển sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Đại tướng Lê Trọng Tấn luôn coi trọng rèn luyện đạo đức, lối sống và tác phong công tác của người chỉ huy, thường xuyên căn dặn đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp phải xây dựng tác phong làm việc thực tế, sâu sát, nghiêm túc, chính xác, khẩn trương; phát huy tốt dân chủ, đoàn kết và kỷ luật, thật sự bình đẳng về chính trị với chiến sĩ, hết lòng thương yêu, dìu dắt, giúp đỡ đồng chí đồng đội cùng tiến bộ, trưởng thành.
Đồng chí luôn là tấm gương mẫu mực về nếp sống giản dị, khiêm tốn, gần gũi, chân thành với đồng chí đồng đội; tiêu biểu cho tác phong công tác của người cán bộ chỉ huy. Đồng chí đã nêu gương sáng về lòng trung thành vô hạn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Tổ quốc, nhân dân; về lập trường giai cấp kiên định vững vàng, tinh thần cách mạng triệt để, không lùi bước trước mọi nguy hiểm, khó khăn.
Tấm gương vị tướng vẫn đồng hành cùng công cuộc xây dựng Quân đội của dân, do dân và vì nhân dân: “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.
Những toan tính của Trung Quốc khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam
Việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, ngang ngược đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (15 độ 29’58” vĩ bắc - 111 độ 12’06” kinh đông) nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam đang đẩy Trung Quốc vào con đường tự cô lập về ngoại giao và nguy cơ quân sự đầy nguy hiểm. Tại sao Trung Quốc có thể ngang ngược “làm càn” và tỏ ra hung hăng trên Biển Đông bất chấp những lời chỉ trích và lên án mạnh mẽ của dư luận thế giới? Âm mưu của Trung Quốc là gì?
1. Lựa chọn thời điểm
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi những hành động mà Bắc Kinh đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng: gây hấn với Malaysia ở bãi ngầm James Shoal, với Philippin ở Bãi Cỏ Mây…. Trung Quốc âm mưu tiến thêm một bước trong việc hiện thực hóa ''đường lưỡi bò'' và đòi hỏi chủ quyền vô lý của họ.Việc hạ dặt trái phép giàn khoan HD-981 tại vùng biển của Việt Nam trùng hợp với nhiều sự kiện đáng chú ý của thế giới: sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới các nước châu Á với những tuyên bố mạnh mẽ ở Malaysia và Philippin liên quan tới Biển Đông;các thế lực lớn đang bận rộn với điểm nóng Ucraina…
Tình hình hiện tại cho thấy việc Trung Quốc lựa chọn thời điểm đặt giàn khoan 981 trái phép trên vùng biển của Việt Nam là một toan tính.
Với nước Mỹ, Trung Quốc cho rằng quyền lực toàn cầu của Mỹ đang ngày càng suy giảm. Bắc Kinh rút ra kết luận này từ một loạt những thất bại về an ninh quốc gia của Mỹ: việc rút quân quá sớm ở Irăc, sa lầy ở Ápganixtan, không kiểm soát được chính quyền Libi và bất lực trước sự trỗi dậy của Al Qaeda ở Yemen… Không những thế, Bắc Kinh còn cho rằng Washington không thể nào hóa giải nổi Pakistan, “người bạn-thù” của Mỹ và hiện nay gần như đã là một đồng minh của Trung Quốc. Họ cũng nhận định chính sách can thiệp của Mỹ ở khu vực Trung Đông đã thất bại trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố và phong trào Mùa xuân Arập. Với những nhận định đó, Trung Quốc cho rằng: Biển Đông sẽ dễ dàng rơi vào tay họ. Hiện tại Ucraina đang là điểm nóng cần ưu tiên trước nhất của Mỹ. Bởi nó ảnh hưởng đến an nguy trực tiếp của các đồng minh lâu đời, thân cận nhất của Mỹ: các nước Bắc Âu, liên minh quân sự NATO. Với vấn đề Đông Bắc Á, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ chưa thể bị Trung Quốc gây khó dễ ngay.
Với nước Nga, Mátxcơva đang đứng trước thách thức lớn lao nền kinh tế bị trừng phạt nặng nề bởi Mỹ và châu Âu sau khi sáp nhập Crưm vào Nga. Để đối phó với Mỹ và Tây Âu, giảm thiểu sự tác động của các đòn trừng phạt, Nga chú trọng đặt quan hệ với Trung Quốc. Khi bán đảo Crưm tổ chức cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga, Trung Quốc bày tỏ thái độ trung lập (bỏ phiếu trắng tại Liên Hợp quốc). Trung Quốc bất chấp dư luận để trở nên hung hăng hơn ở Biển Đông sau khi có quan hệ chặt chẽ hơn với một đồng minh mới là Nga.
Về phía Nhật Bản, quốc gia đang có tranh chấp trên biển với Trung Quốc, cũng là quốc gia có những quan điểm cứng rắn và thực lực kinh tế, quốc phòng mạnh nhất của khu vực châu Á trong đòi hỏi chủ quyền với Trung Quốc, hiện đang lâm vào tình hình suy yếu tương đối. Vị trí cường quốc kinh tế thứ hai thế giới của Nhật Bản đã bị Trung Quốc truất ngôi năm 2012. Mặt khác, dưới tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là cuộc khủng hoảng kép động đất, sóng thần dẫn tới rò rỉ nhà máy điện hạt nhân, Nhật Bản đang gặp rất nhiều khó khăn.
Các quốc gia trong khối ASEAN tuy đã biểu lộ sự thống nhất, song vẫn tiềm ẩn bất đồng, chia rẽ.Thái Lan, một thành viên quan trọng trong khối ASEAN, lại đang trong tình trạng khủng hoảng chính trị kéo dài, mà chưa có hồi kết.
Trung Quốc cho rằng nếu không làm nhanh, sau này họ sẽ gặp nhiều khó khăn khi các quốc gia ASEAN tìm kiếm được sự đồng thuận, đoàn kết hoặc sẽ nhận được nhiều sự giúp đỡ về quốc phòng hơn từ phía Mỹ.
Đối với Việt Nam, đang trong dịp nghỉ lễ dài ngày (30-4; 1-5); tổ chức các sự kiện trọng đại: kỷ niệm những chiến thắng 30-4-1975, chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5-1954… đã bị bất ngờ, khó đối phó kịp việc Trung Quốc lựa chọn thời điểm đặt giàn khoan
2. Một mũi tên nhằm nhiều đích
Trung Quốc là cường quốc đang trỗi dậy, với tham vọng trở thành bá chủ mới trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Biển Đông được cho là chìa khóa của chiến lược này. Đây là lý do quan trọng khiến Bắc Kinh đưa ra yêu sách chủ quyền với gần như toàn bộ vùng biển, đồng thời không ngừng có các hành vi nhằm thay đổi hiện trạng tại đây.
Trung Quốc đang gặp nhiều vấn đề căng thẳng, đặc biệt là Tân Cương, Tây Tạng…, họ cần có một đòn bẩy để kích hoạt sự đoàn kết dân tộc và chủ nghĩa đại Hán vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của người cầm quyền Trung Quốc. Gây xung đột với chiêu bài tự vệ còn nhằm đẩy sự quan tâm vào những căng thẳng, mâu thuẫn trong nước ra bên ngoài.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đặt một phép thử mới. Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền “đường lưỡi bò” sở hữu 80% diện tích Biển Đông. Để đạt được mục đích, Trung Quốc đã tiến hành một loạt các hành động như:gây hấn với Malaysia ở bãi ngầm James Shoal, hay với Philippin ở bãi cạn Scarborough, bắn tàu cá ngư dân, cắt cáp thăm dò, cấm đánh bắt cá với Việt Nam… Việc đặt giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam mới là một bước đi tiếp theo. Việt Nam đang đứng trước thách thức vô cùng nghiêm trọng, không chỉ là toàn vẹn lãnh thổ mà còn là hòa bình chung cho cả Biển Đông.
Hành động lần này là những bước đi của tham vọng bành trướng nước lớn, không xa lạ đối với Việt Nam. Trong tình hình hiện nay, chúng ta cần tỉnh táo, sáng suốt để không mắc phải mưu đồ thâm hiểm của Trung Quốc. Trước hết, Việt Nam cần hết sức cảnh giác với thủ đoạn “giương đông, kích tây”, “bỏ hư đánh thực” của Trung Quốc. Bên cạnh việc đấu tranh để Trung Quốc rút giàn khoan 981, cần rất cảnh giác và đấu tranh quyết liệt với những động thái khác trên Biển Đông. Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đang cố gắng xây dựng nhiều các công trình trên các công trình mà Việt Nam có chủ quyền. Trung Quốc muốn cho dư luận biết rằng không chỉ đánh chiếm, mà còn chiếm giữ trên thực tế. Điều này cũng tương tự như sự kiện ngày 19/7/2012, Quân ủy Trung ương Trung Quốc chính thức quyết định thành lập “Cơ quan chỉ huy quân sự” của cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt căn cứ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, và việc ngày 21-7-2012 Trung Quốc tổ chức bầu cử đại biểu Đại hội đại biểu Nhân dân khóa I “thành phố Tam Sa”.
Bên cạnh đó, cần cảnh giác và có hành động quyết liệt, khôn khéo với những âm mưu hành động của các thế lực phản động tạo ra những vụ bạo động, quá khích của công nhân các khu công nghiệp trong những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan 981 làm xấu hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, phương hại đến các lợi ích kinh tế đất nước.
Theo thống kê của các cơ quan quản lý nhà nước, đã có hơn 150 website của Việt Nam bị tấn công, tất cả website này đều đã bị tin tặc kiểm soát. Hacker Trung Quốc đã để lại lời tuyên bố chính những xung đột trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc là nguyên nhân của vụ tấn công này. Một số chuyên gia an ninh cho rằng nguyên nhân của vụ tấn công hàng loạt website Việt Nam lần này là do trước đó nhiều hacker Việt Nam đã thực hiện tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) các website Trung Quốc để thể hiện sự bất bình trước hành động đặt giàn khoan 981 trái phép vào thềm lục địa Việt Nam. Trước những căng thẳng tiếp tục leo thang giữa hai bên, Việt Nam phải có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng để ứng phó với mọi tình huống.
Theo các chuyên gia quốc tế, vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan chưa phát hiện có dầu mỏ. Điều này cho thấy, mục đích thực sự của Trung Quốc chưa phải vì lợi ích dầu mỏ tại đây khi xâm phạm trái phép vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Sâu sa hơn cả, Bắc Kinh hiện muốn gây sức ép lớn nhất có thể lên các nước láng giềng, nhằm tối đa hóa phạm vi vùng biển mà nước này mưu đồ muốn kiểm soát trong tương lai. Việc đặt trái phép giàn khoan vào vùng biển Việt Nam cho Bắc Kinh cơ hội để đo lường, kiểm chứng những phản ứng quốc tế về những tuyên bố về vùng lãnh hải của họ. Bên cạnh đó, Trung Quốc rất muốn Việt Nam có phản ứng vượt giới hạn, sa vào bẫy của họ.Thêm nữa, trước khi Trung Quốc có thể bắt đầu “thử lửa” với các đồng minh của Mỹ trong khu vực, như Philippin - nước vừa ký một thỏa thuận quốc phòng mới thời hạn 10 năm Mỹ, Trung Quốc muốn biết Mỹ có muốn bảo vệ lợi ích của họ trong khu vực này hay không?...
Như vậy, Trung Quốc có quá nhiều toan tính trong bước đi mạo hiểm trên Biển Đông khi hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, rõ ràng động thái này của Trung Quốc đã trực tiếp liên quan đến nhiều quốc gia và khu vực. Đối với Trung Quốc thì đó có thể là mũi tên trúng nhiều đích, trong khi đó có lẽ họ chưa lường hết được hệ lụy của nó.
3. Những hệ quả khó lường
Trung Quốc đang bị lóa mắt bởi giấc mơ “trỗi dậy” của mình, bởi lòng tự hào của một nước lớn, một cường quốc bởi những thành tựu kinh tế mà họ đạt được. Điều đó đồng nghĩa với việc họ đang đi trên con đường tự cô lập mình về mọi mặt bởi những hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp và thông lệ quốc tế.
Bắc Kinh đã cảm nhận được phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt của Việt Nam nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Lịch sử đã chứng minh, dân tộc Việt Nam không khuất phục bất cứ một thế lực xâm lược nào, sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ nền độc lập của dân tộc, chủ quyền quốc gia. Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động vi phạm và bằng mọi biện pháp cần thiết, phù hợp với louật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Thực tế là trong suốt thời gian Trung Quốc gây hấn về vấn đề Biển Đông, Việt Nam luôn thực hiện đường lối ngoại giaohoàn bình, phù hợp với luật pháp và quan hệ quốc tế.
Bắc Kinh cũng không tính trước được rằng những hành động tráo trở, hung hăng của mình trong khu vực sẽ khiến các quốc gia ASEAN xích lại gần nhau hơn để chống lại tham vọng của Trung Quốc. Đó cũng là cơ hội để Mỹ và nhiều nước lớn khác tăng cường sự hiện diện ở biển Đông. Gần nhất, Nhật Bản đang tăng cường sức mạnh quân sự và có thể đưa quân ra nước ngoài.
Đấu tranh chống các quan điểm, tư tưởng sai trái để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới
Bản chất cách mạng, khoa học và sức sống của nghĩa Mác - Lê-nin
Thực tế đã và đang khẳng định rằng, chủ nghĩa Mác - Lê-nin từ khi ra đời đến nay đã thể hiện rõ bản chất khoa học và cách mạng, giá trị và sức sống bền vững của nó. Nhiều chính khách, nhà khoa học ở cả trong và ngoài nước có nh÷ng bài nói, bài viết, công trình nghiên cứu khoa học khẳng định chủ nghĩa Mác - Lê-nin vẫn giữ nguyên ý nghĩa và tầm quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Một số học giả tư sản đã thừa nhận, tinh thần của C. Mác vẫn tỏa sáng và dù muốn hay không người ta vẫn phải dựa vào C. Mác mới có thể phân tích đúng chủ nghĩa tư bản đương đại.
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá một cách khách quan, chính xác, đầy đủ và sâu sắc vai trò của chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong quá trình cách mạng Việt Nam. Vào năm 1927, Hồ Chí Minh đã viết: “…Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin”(1). Theo Người, chủ nghĩa Mác - Lê-nin không những là kim chỉ nam mà còn là “mặt trời soi sáng” con đường chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Trả lời phỏng vấn nhà báo Pháp Sác-lơ Phuốc-ni-ô ngày 15-7-1969, Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng tôi giành được thắng lợi là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng… chúng tôi giành được những thắng lợi đó trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác - Lê-nin”(2).
Nghiên cứu lịch sử hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rõ con đường Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin và Người đã nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin một cách cơ bản, hệ thống. Ngày 12-7-1946, trả lời trong cuộc họp báo tại biệt thự Roa-yan Mông-xô, Hồ Chí Minh đã nói: “Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác”(3). Hồ Chí Minh không bao giờ “tách mình” ra khỏi C. Mác, Ph. Ăng-ghen và V.I. Lê-nin để đưa ra các quan điểm riêng mà như Người nói là “cố gắng vận dụng” tư tưởng của các nhà kinh điển đó, “nhưng vận dụng một cách sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam”.
Trong bài “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin”, Hồ Chí Minh đã nói rằng: trước khi đến với chủ nghĩa Lê-nin, “tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên”, tham gia Đảng Xã hội Pháp vì họ ủng hộ cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức, còn “Đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là gì thì tôi không hiểu”. Nhưng “từng bước một, trong cuộc đấu tranh vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lê-nin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(4).
Hồ Chí Minh không chỉ tự học mà đã học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong nhà trường cách mạng. Vào khoảng cuối năm 1924, Hồ Chí Minh đã vào học lớp ngắn hạn của Trường Đại học Phương Đông ở Mát-xcơ-va. Trong thời gian học, khi biết tin V.I. Lê-nin mất, Người đã cùng học sinh của trường đi viếng và Người đã viết bài “V.I. Lê-nin và các dân tộc thuộc địa”. Từ tháng 10-1934 đến cuối tháng 9-1938 (với bí danh Lin), Hồ Chí Minh đã học ở Trường Quốc tế Lê-nin, là nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Người đã chuẩn bị tài liệu để viết luận án về đề tài tự chọn “Cách mạng ruộng đất ở Đông Nam châu Á”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh - kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam
Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là nguồn gốc lý luận chủ yếu quyết định sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Trước hết, chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã cung cấp cho Hồ Chí Minh thế giới quan, phương pháp luận khoa học, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; đồng thời, đặt “hòn đá tảng” những vấn đề có tính nguyên tắc về lập trường quan điểm, về tinh thần xử lý mọi việc. Những phạm trù cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh cũng nằm trong những phạm trù cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Trên cơ sở nắm vững và quán triệt sâu sắc lập trường, quan điểm và phương pháp biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Hồ Chí Minh đã tiếp thu được những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa văn hóa phương Đông và phương Tây để hình thành tư tưởng của mình. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Những cống hiến đó của Người có được trước hết do Người đã nắm được bản chất cốt lõi, “linh hồn sống” trong tư tưởng của các nhà kinh điển Mác - Lê-nin là phép biện chứng duy vật.
Theo Hồ Chí Minh, mục đích học chủ nghĩa Mác - Lê-nin là để “phụng sự lợi ích chung, chứ không có gì cao xa”(5), “nếu không hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, tự kiêu, tự đại, tự tư, tự lợi như thế là trái với chủ nghĩa Mác - Lê-nin”(6). Hồ Chí Minh còn chỉ rõ: “Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin được”(7).
Hồ Chí Minh nghiên cứu, tiếp thu, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin không phải theo lối giáo điều, kinh viện, mà có sự phát triển, làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong điều kiện lịch sử mới. Người không bao giờ coi chủ nghĩa Mác - Lê-nin là “cái gì đã xong xuôi hẳn”, là đơn thuốc vạn năng, mà như Người đã nói: “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được. Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”(8). Trong bài “V.I. Lê-nin, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam” viết cho báo Sự thật Liên Xô, Hồ Chí Minh khẳng định “thắng lợi của cách mạng Việt Nam là một thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lê-nin ở một nước trước đây là thuộc địa. Những thành công của cách mạng Việt Nam cũng góp phần ít nhiều vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin”(9).
Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là… kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta,…”(10). Có quan điểm cho rằng ở Việt Nam bây giờ học thuyết Mác - Lê-nin đã lỗi thời, chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là đáng giá, chỉ cần nói tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ, không cần nói chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Ở đây không phải là sự ca ngợi, đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh theo đúng giá trị đích thực, vốn có trong tư tưởng của Người. Trái lại, người ta muốn cô lập, tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi nguồn gốc lý luận chủ yếu của tư tưởng này là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, làm suy yếu và tiến tới phủ định chính tư tưởng Hồ Chí Minh. Cùng một lúc, luận điểm sai trái đó nhằm ba mục tiêu: phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin; phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh; theo đó, phủ nhận nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối của Đảng, làm suy yếu và đi đến xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là yếu tố quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay
Thắng lợi của cách mạng cũng như sự trưởng thành, lớn mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam hơn 84 năm qua là kết quả tổng hợp của rất nhiều yếu tố. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, đó là nhờ Đảng ta đã được vũ trang bằng lý luận cách mạng và khoa học nhất của thời đại - chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn tới, việc tiếp tục kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của Việt Nam vẫn là một tất yếu khách quan, là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết.
Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ Luận cương chính trị tháng 10-1930 cho đến văn kiện Đại hội VI đều khẳng định chủ nghĩa Mác - Lê-nin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam. Từ Đại hội VII đến nay, Đảng ta có sự phát triển, bổ sung mới: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng”. Đây là biểu hiện về nhận thức đúng đắn, sâu sắc về mối quan hệ giữa chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đảng ta đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội XI của Đảng (tháng 01-2011) đã tổng kết thực tiễn 25 năm đổi mới và rút ra một số bài học kinh nghiệm, trong đó có bài học: “trong bất kỳ điều kiện và tình huống nào, phải kiên trì thực hiện đường lối và mục tiêu đổi mới, kiên định và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”(11). Như vậy, Đảng ta xác định rất rõ ràng: công cuộc đổi mới hiện nay phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh… Đổi mới không phải xa rời mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Lịch sử đã chứng minh, nếu mơ hồ, dao động về hệ tư tưởng thì sẽ lúng túng trong hoạch định chủ trương, đường lối, rối loạn trong tổ chức và tất yếu dẫn đến thất bại trong hành động. Vì vậy, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề có tính nguyên tắc đối với Đảng ta, là nhiệm vụ quan trọng trong toàn bộ công tác tư tưởng, lý luận, nhất là trong bối cảnh mới của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Điều đó càng đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam tuyệt đối không được xa rời hoặc từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trái lại, cần kiên định, vận dụng, linh hoạt chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên chính mảnh đất hiện thực Việt Nam hiện nay. Những “lý sự” cố tình tách rời, cô lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lê-nin là hoàn toàn trái với quan điểm, đường lối của Đảng ta. Chúng ta phải kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch đó để bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)