Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

Lê Trọng Tấn: vị tướng chỉ huy xuất sắc của quân đội ta

Đại tướng Lê Trọng Tấn (1-10-1914 – 5-12-1986) tên thật là Lê Trọng Tố, bí danh Ba Long (khi ở chiến trường miền Nam), sinh ra trong một gia đình trí thức có truyền thống cách mạng tại xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay thuộc quận Hà Đông, Hà Nội).
Năm 1944, ông tham gia Việt Minh, được phân công làm công tác địch vận tại khu vực Hoàng Mai-Hà Nội. Tháng 3-1945, ông là thành viên trong Ủy ban chuẩn bị khởi nghĩa tỉnh Hà Đông, được cử về tuyên truyền, tổ chức và xây dựng lực lượng vũ trang tại Ứng Hòa, La Khê, La Cả (Hà Đông). Tháng 8-1945, ông tham gia Ủy ban khởi nghĩa Hà Đông, phụ trách quân sự.
Tháng 12-1945, ông được kết nạp vào Đảng. Trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, ông chỉ huy Tiểu đoàn 60, Trung đoàn 37 chiến đấu tại mặt trận Hà Đông, một cửa ngõ quan trọng phía Tây Thủ đô. Ông tổ chức diệt đồn Đồng Quan và giành thắng lợi trận đầu tiên.  Ngày 23-8-1947, ông được phân công làm Khu trưởng Khu 13 khi đang giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn Sơn Tây.
Ngày 25-1-1948, ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Khu 10. Năm 1949, theo quyết định của Bộ Tổng chỉ huy, Trung đoàn 209 chủ lực đầu tiên của Liên khu 10 chuyển thành trung đoàn mạnh, trực thuộc Bộ, mang danh hiệu Trung đoàn Sông Lô. Khi đó ông là Phó Tư lệnh Liên khu 10 được bổ nhiệm là Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy đầu tiên.
Ngày 27-12-1950, Đại đoàn 312 (Đại đoàn Chiến Thắng) được thành lập, ông là Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy đầu tiên, khi 36 tuổi. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Đại đoàn 312 do ông chỉ huy đánh trận mở đầu thắng lợi vào cứ điểm Him Lam ngày 13-3-1954.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 24-10-1973, Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết Thắng), binh đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của Quân đội ta (bao gồm cả Sư đoàn 312) được thành lập. Thiếu tướng Lê Trọng Tấn được chỉ định là Tư lệnh đầu tiên.
Đại tướng Lê Trọng Tấn là vị tướng trận mạc, ông luôn có mặt ở những chiến trường gai góc, ác liệt và nóng bỏng nhất, có khả năng làm xoay chuyển cục diện trận đánh, trăm trận trăm thắng. Các nhà khoa học quân sự và quân đội các nước anh em kính nể, học tập ông về tài năng, đức độ và tầm nhìn chiến lược, chiến thuật, nghệ thuật quân sự xuất sắc. Các cán bộ, chiến sĩ yêu mến gọi ông là “Giu Cốp của Việt Nam”, luôn đoàn kết, một lòng tin tưởng vào tài năng, đức độ, thông minh, sáng tạo, nhanh nhạy, quyết đoán của mình.
Năm 1973, trong một buổi gặp gỡ với các tướng lĩnh Việt Nam, Chủ tịch Cu Ba Phiđen Caxtrô bắt tay tướng Lê Trọng Tấn rồi tươi cười hỏi mọi người xung quanh: “Đây có phải là vị tướng đánh hay nhất Việt Nam phải không ?”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp vui vẻ trả lời: “Đúng, đây là một trong những vị tướng giỏi nhất Việt Nam qua các thời đại”. Tại cuộc Hội thảo kỷ niệm 10 năm ngày mất Đại tướng Lê Trọng Tấn (tháng 12-1996), Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Người Anh Cả của Quân đội ta đánh giá tướng Tấn xứng đáng “hai lần anh hùng”(1) do đã chỉ huy quân xuất sắc bắt sống tướng Đờ Cát ở Điện Biên Phủ (năm 1954) và bắt sống nội các Sài Gòn (năm 1975).
Suốt cuộc đời hoạt động liên tục và vô cùng sôi nổi, Đại tướng Lê Trọng Tấn đã đảm nhiệm các chức trách: Từ 12-1954 đến 1960, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân; tháng 3-1961 đến 1962, là Phó Tổng tham mưu trưởng, trực tiếp là Tư lệnh Mặt trận đường 9 (1971); năm 1972, là Tư lệnh Chiến dịch Trị Thiên; năm 1973 là Phó Tổng tham mưu trưởng kiêm Tư lệnh Quân đoàn 1; tháng 3-1975, là Tư lệnh Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng, Chỉ huy cánh quân phía Đông đánh thẳng vào Sài Gòn; tháng 4-1975, là Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh; từ 1976 đến 2-1977, ông được cử làm Giám đốc Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng); từ 12-1978 đến 2-1979, ông được Bộ Chính trị cử trực tiếp Chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân trong Chiến tranh biên giới Tây Nam; từ 6-1978 đến 1986, ông là Thứ Trưởng Bộ Quốc phòng, là Tổng Tham mưu trưởng, Ủy viên Thường vụ Đảng uỷ Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương). Là Ủy viên Trung ương Đảng các khoá IV, V; Đại biểu Quốc hội khoá VII.
Ông là Tư lệnh của những chiến dịch lớn có tính chất quyết định trên các chiến trường: Bình Giã, Đồng Xoài, Bàu Bàng - Dầu Tiếng, Đường 9 Nam Lào, Mặt trận Trị Thiên (B5); Tư lệnh chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Tư lệnh cánh quân Duyên Hải (do chính ông đề xuất thành lập) tiến vào Sài Gòn sớm nhất vào Mùa xuân 1975; Chiến dịch biên giới Tây Nam 1978 - 1979 và biên giới phía Bắc 2-1979…
Trên các cương vị công tác, Đại tướng đã mang hết tài năng và nghị lực phấn đấu thực hiện thắng lợi đường lối, nhiệm vụ chính trị, quân sự của Đảng, đồng thời có nhiều đóng góp trong phát triển sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Đại tướng Lê Trọng Tấn luôn coi trọng rèn luyện đạo đức, lối sống và tác phong công tác của người chỉ huy, thường xuyên căn dặn đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp phải xây dựng tác phong làm việc thực tế, sâu sát, nghiêm túc, chính xác, khẩn trương; phát huy tốt dân chủ, đoàn kết và kỷ luật, thật sự bình đẳng về chính trị với chiến sĩ, hết lòng thương yêu, dìu dắt, giúp đỡ đồng chí đồng đội cùng tiến bộ, trưởng thành.
Đồng chí luôn là tấm gương mẫu mực về nếp sống giản dị, khiêm tốn, gần gũi, chân thành với đồng chí đồng đội; tiêu biểu cho tác phong công tác của người cán bộ chỉ huy. Đồng chí đã nêu gương sáng về lòng trung thành vô hạn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Tổ quốc, nhân dân; về lập trường giai cấp kiên định vững vàng, tinh thần cách mạng triệt để, không lùi bước trước mọi nguy hiểm, khó khăn.  
 Tấm gương vị tướng vẫn đồng hành cùng công cuộc xây dựng Quân đội của dân, do dân và vì nhân dân: “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét