Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

Những toan tính của Trung Quốc khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam

 Việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, ngang ngược đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (15 độ 29’58” vĩ bắc - 111 độ 12’06” kinh đông) nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam đang đẩy Trung Quốc vào con đường tự cô lập về ngoại giao và nguy cơ quân sự đầy nguy hiểm. Tại sao Trung Quốc có thể ngang ngược “làm càn” và tỏ ra hung hăng trên Biển Đông bất chấp những lời chỉ trích và lên án mạnh mẽ của dư luận thế giới? Âm mưu của Trung Quốc là gì?
1. Lựa chọn thời điểm
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi những hành động mà Bắc Kinh đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng: gây hấn với Malaysia ở bãi ngầm James Shoal, với Philippin ở Bãi Cỏ Mây…. Trung Quốc âm mưu tiến thêm một bước trong việc hiện thực hóa ''đường lưỡi bò'' và đòi hỏi chủ quyền vô lý của họ.Việc hạ dặt trái phép giàn khoan HD-981 tại vùng biển của Việt Nam trùng hợp với nhiều sự kiện đáng chú ý của thế giới: sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới các nước châu Á với những tuyên bố mạnh mẽ ở Malaysia và Philippin liên quan tới Biển Đông;các thế lực lớn đang bận rộn với điểm nóng Ucraina…
Tình hình hiện tại cho thấy việc Trung Quốc lựa chọn thời điểm đặt giàn khoan 981 trái phép trên vùng biển của Việt Nam là một toan tính.
Với nước Mỹ, Trung Quốc cho rằng quyền lực toàn cầu của Mỹ đang ngày càng suy giảm. Bắc Kinh rút ra kết luận này từ một loạt những thất bại về an ninh quốc gia của Mỹ: việc rút quân quá sớm ở Irăc, sa lầy ở Ápganixtan, không kiểm soát được chính quyền Libi và bất lực trước sự trỗi dậy của Al Qaeda ở Yemen… Không những thế, Bắc Kinh còn cho rằng Washington không thể nào hóa giải nổi Pakistan, “người bạn-thù” của Mỹ và hiện nay gần như đã là một đồng minh của Trung Quốc. Họ cũng nhận định chính sách can thiệp của Mỹ ở khu vực Trung Đông đã thất bại trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố và phong trào Mùa xuân Arập. Với những nhận định đó, Trung Quốc cho rằng: Biển Đông sẽ dễ dàng rơi vào tay họ. Hiện tại Ucraina đang là điểm nóng cần ưu tiên trước nhất của Mỹ. Bởi nó ảnh hưởng đến an nguy trực tiếp của các đồng minh lâu đời, thân cận nhất của Mỹ: các nước Bắc Âu, liên minh quân sự NATO. Với vấn đề Đông Bắc Á, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ chưa thể bị Trung Quốc gây khó dễ ngay.
Với nước Nga, Mátxcơva đang đứng trước thách thức lớn lao nền kinh tế bị trừng phạt nặng nề bởi Mỹ và châu Âu sau khi sáp nhập Crưm vào Nga. Để đối phó với Mỹ và Tây Âu, giảm thiểu sự tác động của các đòn trừng phạt, Nga chú trọng đặt quan hệ với Trung Quốc. Khi bán đảo Crưm tổ chức cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga, Trung Quốc bày tỏ thái độ trung lập (bỏ phiếu trắng tại Liên Hợp quốc). Trung Quốc bất chấp dư luận để trở nên hung hăng hơn ở Biển Đông sau khi có quan hệ chặt chẽ hơn với một đồng minh mới là Nga.
Về phía Nhật Bản, quốc gia đang có tranh chấp trên biển với Trung Quốc, cũng là quốc gia có những quan điểm cứng rắn và thực lực kinh tế, quốc phòng mạnh nhất của khu vực châu Á trong đòi hỏi chủ quyền với Trung Quốc, hiện đang lâm vào tình hình suy yếu tương đối. Vị trí cường quốc kinh tế thứ hai thế giới của Nhật Bản đã bị Trung Quốc truất ngôi năm 2012. Mặt khác, dưới tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là cuộc khủng hoảng kép động đất, sóng thần dẫn tới rò rỉ nhà máy điện hạt nhân, Nhật Bản đang gặp rất nhiều khó khăn.
Các quốc gia trong khối ASEAN tuy đã biểu lộ sự thống nhất, song vẫn tiềm ẩn bất đồng, chia rẽ.Thái Lan, một thành viên quan trọng trong khối ASEAN, lại đang trong tình trạng khủng hoảng chính trị kéo dài, mà chưa có hồi kết.
Trung Quốc cho rằng nếu không làm nhanh, sau này họ sẽ gặp nhiều khó khăn khi các quốc gia ASEAN tìm kiếm được sự đồng thuận, đoàn kết hoặc sẽ nhận được nhiều sự giúp đỡ về quốc phòng hơn từ phía Mỹ.
Đối với Việt Nam, đang trong dịp nghỉ lễ dài ngày (30-4; 1-5); tổ chức các sự kiện trọng đại: kỷ niệm những chiến thắng 30-4-1975, chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5-1954… đã bị bất ngờ, khó đối phó kịp việc Trung Quốc lựa chọn thời điểm đặt giàn khoan
2. Một mũi tên nhằm nhiều đích
Trung Quốc là cường quốc đang trỗi dậy, với tham vọng trở thành bá chủ mới trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Biển Đông được cho là chìa khóa của chiến lược này. Đây là lý do quan trọng khiến Bắc Kinh đưa ra yêu sách chủ quyền với gần như toàn bộ vùng biển, đồng thời không ngừng có các hành vi nhằm thay đổi hiện trạng tại đây.
Trung Quốc đang gặp nhiều vấn đề căng thẳng, đặc biệt là Tân Cương, Tây Tạng…, họ cần có một đòn bẩy để kích hoạt sự đoàn kết dân tộc và chủ nghĩa đại Hán vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của người cầm quyền Trung Quốc. Gây xung đột với chiêu bài tự vệ còn nhằm đẩy sự quan tâm vào những căng thẳng, mâu thuẫn trong nước ra bên ngoài.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đặt một phép thử mới. Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền “đường lưỡi bò” sở hữu 80% diện tích Biển Đông. Để đạt được mục đích, Trung Quốc đã tiến hành một loạt các hành động như:gây hấn với Malaysia ở bãi ngầm James Shoal, hay với Philippin ở bãi cạn Scarborough, bắn tàu cá ngư dân, cắt cáp thăm dò, cấm đánh bắt cá với Việt Nam… Việc đặt giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam mới là một bước đi tiếp theo. Việt Nam đang đứng trước thách thức vô cùng nghiêm trọng, không chỉ là toàn vẹn lãnh thổ mà còn là hòa bình chung cho cả Biển Đông.
Hành động lần này là những bước đi của tham vọng bành trướng nước lớn, không xa lạ đối với Việt Nam. Trong tình hình hiện nay, chúng ta cần tỉnh táo, sáng suốt để không mắc phải mưu đồ thâm hiểm của Trung Quốc. Trước hết, Việt Nam cần hết sức cảnh giác với thủ đoạn “giương đông, kích tây”, “bỏ hư đánh thực” của Trung Quốc. Bên cạnh việc đấu tranh để Trung Quốc rút giàn khoan 981, cần rất cảnh giác và đấu tranh quyết liệt với những động thái khác trên Biển Đông. Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đang cố gắng xây dựng nhiều các công trình trên các công trình mà Việt Nam có chủ quyền. Trung Quốc muốn cho dư luận biết rằng không chỉ đánh chiếm, mà còn chiếm giữ trên thực tế. Điều này cũng tương tự như sự kiện ngày 19/7/2012, Quân ủy Trung ương Trung Quốc chính thức quyết định thành lập “Cơ quan chỉ huy quân sự” của cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt căn cứ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, và việc ngày 21-7-2012 Trung Quốc tổ chức bầu cử đại biểu Đại hội đại biểu Nhân dân khóa I “thành phố Tam Sa”.
Bên cạnh đó, cần cảnh giác và có hành động quyết liệt, khôn khéo với những âm mưu hành động của các thế lực phản động tạo ra những vụ bạo động, quá khích của công nhân các khu công nghiệp trong những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan 981 làm xấu hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, phương hại đến các lợi ích kinh tế đất nước.
Theo thống kê của các cơ quan quản lý nhà nước, đã có hơn 150 website của Việt Nam bị tấn công, tất cả website này đều đã bị tin tặc kiểm soát. Hacker Trung Quốc đã để lại lời tuyên bố chính những xung đột trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc là nguyên nhân của vụ tấn công này. Một số chuyên gia an ninh cho rằng nguyên nhân của vụ tấn công hàng loạt website Việt Nam lần này là do trước đó nhiều hacker Việt Nam đã thực hiện tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) các website Trung Quốc để thể hiện sự bất bình trước hành động đặt giàn khoan 981 trái phép vào thềm lục địa Việt Nam. Trước những căng thẳng tiếp tục leo thang giữa hai bên, Việt Nam phải có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng để ứng phó với mọi tình huống.
Theo các chuyên gia quốc tế, vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan chưa phát hiện có dầu mỏ. Điều này cho thấy, mục đích thực sự của Trung Quốc chưa phải vì lợi ích dầu mỏ tại đây khi xâm phạm trái phép vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Sâu sa hơn cả, Bắc Kinh hiện muốn gây sức ép lớn nhất có thể lên các nước láng giềng, nhằm tối đa hóa phạm vi vùng biển mà nước này mưu đồ muốn kiểm soát trong tương lai. Việc đặt trái phép giàn khoan vào vùng biển Việt Nam cho Bắc Kinh cơ hội để đo lường, kiểm chứng những phản ứng quốc tế về những tuyên bố về vùng lãnh hải của họ. Bên cạnh đó, Trung Quốc rất muốn Việt Nam có phản ứng vượt giới hạn, sa vào bẫy của họ.Thêm nữa, trước khi Trung Quốc có thể bắt đầu “thử lửa” với các đồng minh của Mỹ trong khu vực, như Philippin - nước vừa ký một thỏa thuận quốc phòng mới thời hạn 10 năm Mỹ, Trung Quốc muốn biết Mỹ có muốn bảo vệ lợi ích của họ trong khu vực này hay không?...
Như vậy, Trung Quốc có quá nhiều toan tính trong bước đi mạo hiểm trên Biển Đông khi hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, rõ ràng động thái này của Trung Quốc đã trực tiếp liên quan đến nhiều quốc gia và khu vực. Đối với Trung Quốc thì đó có thể là mũi tên trúng nhiều đích, trong khi đó có lẽ họ chưa lường hết được hệ lụy của nó.
3. Những hệ quả khó lường
Trung Quốc đang bị lóa mắt bởi giấc mơ “trỗi dậy” của mình, bởi lòng tự hào của một nước lớn, một cường quốc bởi những thành tựu kinh tế mà họ đạt được. Điều đó đồng nghĩa với việc họ đang đi trên con đường tự cô lập mình về mọi mặt bởi những hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp và thông lệ quốc tế.
Bắc Kinh đã cảm nhận được phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt của Việt Nam nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Lịch sử đã chứng minh, dân tộc Việt Nam không khuất phục bất cứ một thế lực xâm lược nào, sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ nền độc lập của dân tộc, chủ quyền quốc gia. Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động vi phạm và bằng mọi biện pháp cần thiết, phù hợp với louật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Thực tế là trong suốt thời gian Trung Quốc gây hấn về vấn đề Biển Đông, Việt Nam luôn thực hiện đường lối ngoại giaohoàn bình, phù hợp với luật pháp và quan hệ quốc tế.
Bắc Kinh cũng không tính trước được rằng những hành động tráo trở, hung hăng của mình trong khu vực sẽ khiến các quốc gia ASEAN xích lại gần nhau hơn để chống lại tham vọng của Trung Quốc. Đó cũng là cơ hội để Mỹ và nhiều nước lớn khác tăng cường sự hiện diện ở biển Đông. Gần nhất, Nhật Bản đang tăng cường sức mạnh quân sự và có thể đưa quân ra nước ngoài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét