Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

PHÁT TRIỂN TRIẾT HỌC VỀ CON NGƯỜI - MỘT KHUYNH HƯỚNG QUAN TRỌNG NHẤT TRONG TRIẾT HỌC MÁC NGÀY NAY

Như chúng ta đã biết, triết học Mác- Lênin là học thuyết về sự phát triển phổ biến và toàn diện nhất về tự nhiên, xã hội và con người.Triết học đó có quá trình phát triển và tất nhiên ngày nay có nhu cầu phát triển hơn nữa từ những tác động sâu sắc của thực tiễn xã hội và cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận về thế giới quan, phương pháp luận và nhân sinh quan.   
          Một trong những khuynh hướng và vấn đề quan trọng nhất đó là triết học về con người. Trên nền tảng của quan niện duy vật và biện chứng Mác đã phát minh ra học thuyết duy vật lịch sử mà nội dung cơ bản nhất là lý luận về hình thái kinh tế xã hội và vai trò con người đối với lịch sử. Mặc dù ngay từ đầu Mác đã đề cập khá nhiều vấn đề về con người, lấy con người hoạt động thực tiễn trong tổng hòa quan hệ với tự nhiên và xã hội, làm điểm xuất phát cho triết học của mình. Nhưng nhìn chung ông đi sâu vào nghiên cứu hệ thống xã hội mà ít có dịp nghiên cứu có hệ thống như một học thuyết lớn, cũng tức là ít có chuyên luận riêng đồ sộ về vấn đề này. Tuy thế vấn đề con người xã hội, bản chất xã hội của con người vẫn được Mác nghiên cứu, trình khá sâu sắc còn con người vô thức, tâm linh, con người tự nhiên thì quả là còn trống.
Chủ nghĩa Mác đã phân tích con người về mặt chính trị, mặt tinh thần, nhất là mặt kinh tế. Các nhà kinh điển đã phát hiện và làm rõ sự hình thành và phát triển của con người và loài người chủ yếu từ lao động sản xuất xã hội; đồng thời cũng soi sáng phân tích mặt tự nhiên, huyết thống, nhân chủng đối với sự hình thành ấy của con người. Nhưng dù sao khi C.Mác nghiên cứu con người xã hội đã quan niệm rằng con người là gia đình, là xã hội, là nhà nước và các hoàn cảnh xã hội nên đã làm rõ cơ sở khách quan của sự hình thành, phát triển con người là một bước tiến xa so với những tác giả đương thời.
Trước Mác, các nhà triết học thường chỉ nghiên cứu làm rõ mặt nhân bản, tự nhiên, mặt đạo đức, mặt nội tâm của con người trong quan hệ với vũ trụ, như trong đạo Phật, đạo Lão, đạo Khổng. Ở đây có nhiều hạt nhân hợp lý cần nghiên cứu kế thừa.
Triết học tư sản hiện đại, một mặt tiếp tục nghiên cứu khuynh hướng triết học khoa học, hướng ngoại, thì mặt khác lại đi vào nghiên cứu triết học nhân bản, phi duy lý, mang tính hướng nội dù có mặt duy tâm nhưng đã có bước tiến là đi sâu vào nghiên cứu con người vô thức, tâm linh. Đó là chủ nghĩa Freud, chủ nghĩa Hiện sinh, thượng và hạ, đặc biệt là nhân loại học triết học. Các khuynh hướng của chủ nghĩa nhân bản nói trên dù sao cũng đã nêu lên được những vấn đề cụ thể trong đời sống nội tâm của con người như kết cấu nhân cách, vấn đề vô thức, trực gíc, nhưng yếu tố tâm lý, tâm linh, những trạng thái tâm lý của cái tôi (vui, buồn, cười khóc, cô đơn, buồn phiền, thất vọng…), vấn đề sinh mệnh.Trong chiều sâu bản thể, nhất là khi cái tôi trong xã hội tư bản chủ nghĩa rơi vào khủng hoảng, bế tắc. Riêng nhân loại học triết học đã cố gắng đưa ra đối tượng của mình như là sự tiếp cận toàn diện đối với con người trong mối liên hệ với chính mình, với lịch sử, với vũ trụ và Thượng đế. Nhân loại học hay nhân học là một ngành khoa học được thừa nhận ngày nay, nhưng nhân loại học còn là về mặt triết học, tức vấn đề thế giới quan. Về mặt triết học, nó bao gồm nhân loại học sinh vật học, nhân loại học tâm lý, nhân loại học văn hóa. Các nhà nhân loại học về sau này cũng đã nhận thấy mặt còn hạn chế là vấn đề đặt ra còn mang tính nhị nguyên, lại chưa chú ý đến mặt xã hội chính trị của con người. Nhưng cách đặt vấn đề của nhân loại học triết học có khá nhiều mặt cần phải quan tâm nghiên cứu với tinh thần khách quan biện chứng.
Đúng là nhân loại học đã không chú ý, hoặc lãng tránh vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị của con người, tức là nghiên cứu tính hiện thực của con người trong kinh tế và chính trị từ xã hội tư bản chủ nghĩa, chứ không chỉ là mặt sinh vật học và văn hóa.Về mặt này quả là họ không vượt được chủ nghĩa Mác.
Trước uy tín của chủ nghĩa Mác về vấn đề con người, cũng đã có khuynh hướng muốn kết hợp chủ nghĩa Freud, hoặc chủ nghĩ Hiện sinh với chủ nghĩa Mác.. Tuy có mặt hợp lý nào đó nhưng họ thường nhìn qua lăng kính của chính chủ nghĩa Freud hay chủ nghĩa Hiện sinh, làm sai lạc quan điểm mác xít về con người xã hội, nên nhìn chung chưa có bước tiến đáng kể nào.
Khi phê phán các triết học nhân bản trước đây cũng như triết học tư bản hiện đại, phê phán phải khách quan, biện chứng, tức là lược bỏ mặt không đúng nhưng phải kế thừa những nội dung hợp lý, đặt những vấn đề ấy trên miếng đất hiện thực, khoa học với lập trường duy vật biện chứng và nhân văn, có cách nhìn bao dung, tìm cái tương đồng ở lòng bác ái, đức từ bi, tính nhân nghĩa, tình thương yêu nhân loại khổ đau… như Hồ Chí Minh đã sử sự đối với các bậc vĩ nhân, các tôn giáo. Phê phán chủ nghĩa nhân bản Phơbách như Mác đã làm cũng tức là không gạt bỏ tính nhân đạo cơ bản, vấn đề triết học con người, cải tạo, phát triển nó, đối với triết học tư sản ngày nay cũng vậy, không thể từ cực này sang cực khác.
Ngày nay trong khoa học hiện đại, đặc biệt là các môn cận khoa học, cận hóa học, cận tâm lý, cận vật lý, cận sinh học, có thể cả tâm linh học, đang cho ta phương pháp, dữ liệu, thông tin để hiểu sâu sắc về thế giới nội tại của con người,hiểu bản thể con người theo chiều sâu vũ trụ của nó. Ở đây ta bắt gặp vật lý hiện đại với đạo học phương Đông, như thuyết đạo học của Lão tử, về chân như của Phật học, về âm dương, kinh dịch trong nền văn hóa cổ Trung Hoa. Đó là chưa kể đến thuyết nhân nghĩa, kiêm ái của Khổng Mạnh. Những tư tưởng triết học này đã ảnh hưởng lâu dài, mạnh mẽ tới tư tưởng và tư duy ở nước ta và các nước phương Đông.
Một xu hướng nổi bật hiện nay là phương Đông thì hướng về văn minh kỹ thuật phương Tây, còn phương Tây lại hướng về văn hóa cổ đại và nhất là triết học phương Đông. Dù mỗi bên có đặc thù riêng trong phong cách tiếp cận và vấn đề nhưng lại không loại trừ nhau mà bổ sung cho nhau, đặc biệt trên vấn đề nhân bản và nhân nghĩa, nhân văn, vấn đề con người trong tổng hoà nhân sinh -vũ trụ ở cả chiều rộng và chiều sâu. Xu hướng tích hợp văn hóa Đông Tây đang thành hiện thực và rất có triển vọng để tạo nên minh triết mới của thời đại mới trí tuệ và hội nhập. Nhiều nhà triết học Đông -Tây đang đi theo xu hướng đó đã có nhiều gặt hái thành công (như công trình Đạo vật lý, Tích hợp văn hóa Đông Tây cho một chiến lược giáo dục tương lai). Nhiều vấn đề triết học mới nói chung và triết học về con người đang đặt ra có tầm thời đại, từ thực tiễn đương đại, từ triết cổ phương Đông cần được nghiên cứu, giải quyết để thúc đẩy triết học tiến lên, nhất là triết học Mác..Đó là những cơ hội và vấn đề mà thời Mác, Ănghen, Lênin chưa có. Hồ Chí Minh cũng là một mẫu hình kết hợp văn hóa Đông Tây và thúc đẩy cho sự kết hợp đó. Ngày nay một số nước ở châu Á, phương Đông đã thực hiện sự phát triển kinh tế xã hội bằng sự kết hợp văn hóa, triết lý Đông - Tây rất thành công.
Việc phát triển triết học hiện đại về con người mà giới triết học đang quan tâm thì khá nhiều, nhưng chung quy là:hệ con người sinh học trong sự liên thông với bản thể vũ trụ; vấn đề con người tâm linh, con người sinh thái, khả năng ngoại cảm, vô hình, năng lực trao đổi thông tin; vấn đề con người kinh tế với con người chính trị, con người văn hóa, những tiềm năng con người cần phát triển; vấn đề phát triển nhân cách con người, chỉ số phát triển người; vấn đề đặc thù và phổ biến trong bản chất, cấu trúc con người; sự tha hóa, què quặt trong tâm hồn, đạo đức củia con người hiện đại và sự nghiệp giải phóng con người trong quan hệ với giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội.
Những vấn đề trên đây có thể gợi mở thêm cho sự tổng hợp, tích hợp triết học về con người. Mà theo chúng tôi với cách tiếp cận tổng hợp- tích có triển vọng nhất, khắc phục sự cô lập, chia cắt con người của các khoa học chuyên ngành và tư duy phân tích, đó là chủ nghĩa duy vật nhân văn. Chủ nghĩa duy vậy nhân văn như thế là một bộ phận mới, cơ bản của triết học Mác hiện đại. Vấn đề chủ nghĩa nhân văn đã được nhiều người nghiên cứu nhưng phải nâng lên tầm một triết học.
Chủ nghĩa duy vật nhân văn như thế là khác xa với nhân loại học triết học, dù có kế thừa từ đó cũng như nhiều lý luận nhân bản khác trên nền tảng triết học Mác, cho nên nó lại có thể mang lại cho chủ nghĩa nhân văn cũ một phương hướng phát triển mới đúng hơn, Triết học Mác cũng như các khoa học phải có khả năng sinh thành, phân hóa và tổng hợp mới, tạo ra bộ phận mới, trình độ mới, giai đoạn mới theo sự phát triển của thực tiễn và lịch sử khoa học. Tất nhiên, triết học Mác sẽ phát triển ở nhiều phương diện của nó, nhưng theo chúng tôi thì phát triển triết học về con người là xu hướng và vấn đề lớn nhất và quan trọng nhất.
Như thế triết học Mác sẽ hoàn chỉnh ở cả ba bộ phận lớn về vũ trụ, xã hội và con người, tạo thành một chỉnh thể. Chủ nghĩa duy vật nhân văn là triết học khoa học toàn diện về con người đang phát triển trong thời đại ngày nay. Đó là cơ sở triết học trực tiếp cho chiến lược phát triển con người, trước hết ở nước ta, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Đây không phải là vấn đề chữ nghĩa mà là một cách tư duy triết học tổng hợp - thống nhất khả dĩ cho ta dễ nắm được hệ thống và bản chất điều muốn diễn đạt./.

                                                                                       Nguyễn Huy Điểm
                                            Khoa Triết học Mác – Lênin

KẾ THỪA GIÁ TRỊ VĂN HÓA DÂN TỘC TRUYỀN THỐNG TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA – HIỆN ĐẠI HÓA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY


          Trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước dân tộc ta đã xây dựng nên hệ giá trị văn hóa dân tộc giàu bản sắc. Chính hệ giá trị này đã giúp dân tộc ta vượt qua muôn vàn thử thách và trường tồn đến ngày nay. Đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa, đất nước ta phải huy động mọi nguồn lực, tiềm năng để thực hiện thắng lợi sự nghiệp này. Trong đó kế thừa giá trị văn hóa dân tộc truyền thống là một nội dung quan trọng, tạo động lực tinh thần to lớn cho công nghiệp hóa – hiện đại hóa đạt hiệu quả cao và bền vững.
          Việt Nam đang trên đà phát triển, chưa phải là nước giàu có. Nhưng không ai phủ nhận Việt Nam là nước có bề dày văn hóa đặc sắc. Sức sống mãnh liệt và giá trị văn hóa dân tộc truyền thống được kiểm nghiệm qua thăng trầm của lịch sử. Bị đô hộ trong nghìn năm bởi một nước vốn là trung tâm văn hóa thế giới nhưng dân tộc ta vẫn vùng dậy để tự giải phóng và khẳng định bản sắc văn hóa của mình. Gần trăm năm Pháp thuộc, ba mươi năm chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dân tộc Việt Nam vẫn giữ vững độc lập chủ quyền. Mặc dù bị chiến tranh tàn phá nặng nề, các nước đế quốc bao vây cấm vận, trong khi hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa sụp đổ nhưng Việt Nam vẫn đổi mới thành công và không ngừng lớn mạnh trên trường quốc tế. Sức mạnh để dân tộc ta vượt qua những thử thách khốc liệt của lịch sử suy cho cùng là sức mạnh văn hóa, bởi nếu không có một nền văn hóa đặc sắc với hệ giá trị tiêu biểu thì nhân dân ta đã không thể tự vùng dậy được và có thể đã bị đồng hóa. Đúng như nhà văn hóa học Trần Văn Giàu nhận xét: “Bị đô hộ hằng mấy thế kỷ bởi một nước có văn hóa cao hơn nhiều và có dân số đông hơn gấp bội, mà sau ngàn năm “ta vẫn là ta” hẳn không phải vì mũi tên nhọn hơn, bắp thịt cứng hơn, mà chủ yếu nhờ văn hóa, nhờ đạo lý, nhờ hệ giá trị tinh thần của riêng mình, chớ nếu lấy sức đọ sức, lấy số đọ số, thì dân Việt, nước Việt chỉ còn là đối tượng của khảo cổ học”([1]).
          Ngày nay cũng vậy, văn hóa đang giữ vai trò đặc biệt quan trọng với mỗi quốc gia. Sự thành bại của sự nghiệp cách mạng hay tồn vong của một đất nước phụ thuộc rất lớn vào văn hóa. Bởi thế có nhà nghiên cứu cho rằng mất nước còn có thể lấy lại, nhưng mất văn hóa là mất tất cả. Từ những thập niên cuối thế kỷ XX UNESCO đã khuyến cáo: “Khi các mục tiêu tăng trưởng kinh tế được đặt ra mà tách rời môi trường văn hóa thì kết quả thu được sẽ rất khập khiễng, mất cân đối cả về mặt kinh tế lẫn văn hóa, đồng thời tiềm năng sáng tạo của mỗi dân tộc sẽ bị suy yếu đi rất nhiều”([2]). Đảng ta trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng luôn quan tâm đến phát huy vai trò của văn hóa để giành, giữ vững độc lập tự do của dân tộc cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Nghiên cứu văn hóa từ hướng tiếp cận giá trị là một trong những phương pháp phổ biến của triết học văn hóa. Văn hóa và giá trị là hai thuật ngữ có lúc được hiểu là hai thuật ngữ cặp đôi bổ sung cho nhau, thống nhất với nhau. Vì văn hóa chỉ chứa đựng cái đẹp, cái giá trị. Nghiên cứu văn hóa theo hướng giá trị giúp chúng ta phân biệt văn hóa với các khái niệm chỉ sự “tha hóa” của văn hóa như “phản văn hóa”, “phản giá trị”. Khi đề cập đến văn hóa, người ta nhấn mạnh đến khía cạnh sáng tạo vật chất, tinh thần của con người hàm chứa cái chân - thiện - mỹ. Còn khi nói đến giá trị văn hóa là nhấn mạnh đến cái ẩn đằng sau, cái có tác dụng thúc đẩy các sáng tạo văn hóa trong tiến trình lịch sử. Truyền thống có cả mặt tích cực và tiêu cực. Bàn đến giá trị văn hóa dân tộc là nhấn mạnh mặt tích cực của truyền thống. Hơn nữa đó phải là cái tích cực có tính phổ biến, bền vững, có tác dụng to lớn hướng dẫn nhận thức và hành động của dân tộc. Truyền thống có sức mạnh tác động đến hiện tại. Bởi một con người, một cộng đồng, một dân tộc muốn tiến lên trước hết phải biết mình đang có những gì, để đi đến tương lai tươi sáng người ta phải hướng về học hỏi quá khứ. Các giá trị văn hóa truyền thống có vai trò đặc biệt quan trọng với thành công của một quốc gia. Kinh nghiệm của các nước là con rồng của châu Á cho thấy họ luôn coi trọng những giá trị truyền thống. Họ không phá vỡ mà cải biến những giá trị truyền thống để sử dụng. Họ xóa bỏ đi những truyền thống đã lỗi thời, phát huy những cái còn thích hợp với xã hội ngày nay và giữ gìn những cái sẽ còn ý nghĩa trong tương lai.
Đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ. Sự nghiệp đó đòi hỏi phải phát huy những lợi thế của đất nước, tận dụng mọi khả năng, nguồn lực làm nền tảng và động lực cho sự phát triển này. Trong đó nhân tố văn hóa có vai trò quan trọng, nó bảo đảm sự phát triển kinh tế hài hòa, cân đối, bền vững. Sự phát triển của công nghiệp hóa – hiện đại hóa không chỉ cần khai thác những nguồn lực từ tự nhiên, quan trọng hơn là phải sử dụng và phát huy tốt nhất các nguồn lực con người mà nguồn lực này lại nằm trong các giá trị văn hóa. Chung quy lại, con người là vốn quý nhất. Khai thác giá trị văn hóa dân tộc truyền thống chính là khơi dậy và nhân lên các nguồn sáng tạo tiềm tàng trong mỗi con người Việt Nam, mang lại cho con người khả năng khai thác tốt nhất các nguồn tài nguyên thiên nhiên theo hướng nhân văn và bền vững. Sự khai thác này cũng khác với khai thác các giá trị từ tự nhiên. Các giá trị từ tự nhiên càng khai thác càng cạn kiệt, nhưng giá trị từ văn hóa dân tộc truyền thống càng khai thác lại càng phong phú và không có giới hạn cuối cùng. Đúng như nhà văn hóa Trần Văn Giàu nhận xét: “Tổ chức tăng sức mạnh lên gấp mười lần … văn hóa tăng sức mạnh lên vô tận”([3]).
Giá trị văn hóa dân tộc truyền thống tồn tại khách quan dưới dạng tiềm năng, nó chỉ thật sự sống lại và phát huy tác dụng trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa khi có sự kế thừa. Kế thừa ở đây được xét theo quan điểm biện chứng, không chỉ là bảo tồn, giữ gìn giá trị văn hóa dân tộc truyền thống mà phải phát triển và nâng cao vai trò của những yếu tố này trong điều kiện mới. Kế thừa ở đây bao hàm cả lọc bỏ và vượt gộp giá trị văn hóa dân tộc truyền thống làm động lực cho công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Kế thừa giá trị văn hóa dân tộc truyền thống trong đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa phải là cách làm sáng tạo. Do đó, cần thực hiện tốt một số biện pháp cơ bản sau:
Một là, cần lựa chọn các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống tiêu biểu, có tác dụng to lớn làm động lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Tùy theo hướng nghiên cứu, các nhà văn hóa đã đưa ra một hệ giá trị văn hóa dân tộc truyền thống khác nhau. Dưới góc độ nghiên cứu này, cần phải lựa chọn ba giá trị cơ bản là chủ nghĩa yêu nước; tinh thần lao động cần cù; trí thông minh, sáng tạo để làm động lực cho đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa hiện nay. Bởi vì, chủ nghĩa yêu nước là giá trị cao nhất trong thang giá trị văn hóa dân tộc truyền thống, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam, “bộ lọc” của mọi giá trị, có tác dụng định hướng các giá trị văn hóa dân tộc khác. Lịch sử cũng đã chứng minh khi nào tinh thần yêu nước được phát huy cao độ thì dân tộc ta vượt qua được mọi khó khăn thử thách, dù phức tạp đến đâu. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”([4]). Yêu nước, trong chiến tranh biểu hiện cao nhất là phải hy sinh tất cả để giành độc lập, tự do cho dân tộc, còn trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa hiện nay yêu nước phải thể hiện ở khát vọng cao nhất là làm giàu cho Tổ quốc. Muốn làm giàu cho Tổ quốc thì phải cần cù. Do đó, tinh thần lao động cần cù phải được phát huy cao độ, “đem sức ta để giải phóng cho ta”. Mỗi người dân lao động hăng say là điều kiện quyết định để “dân giàu, nước mạnh” và mới có thể tận dụng điều kiện thuận lợi cũng như vượt qua khó khăn do hoàn cảnh thế giới đem lại. Công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước cần phải có khoa học kỹ thuật hiện đại. Việt Nam là nước tiến hành công nghiệp hóa – hiện đại hóa sau nên có thể tham khảo và rút kinh nghiệm từ các nước đi trước, song điều kiện mỗi nước rất khác nhau. Do đó, trí thông minh, sáng tạo của con người Việt Nam cần được phát huy cao độ. Có như vậy dân tộc ta mới có thể thực hiện những bước nhảy vọt để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Hai là, cần cụ thể hóa các phương thức biểu hiện giá trị văn hóa dân tộc truyền thống trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa để mọi người dễ hiểu và chuyển hóa thành hành động thiết thực. Nếu như giành độc lập tự do là khát vọng cháy bỏng của các thế hệ cha anh đi trước thì phấn đấu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp sánh vai với các cường quốc năm châu là mục tiêu cao cả mà thế hệ hôm nay phải thực hiện. Hồ Chí Minh cũng đã từng nhấn mạnh “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Do vậy, cần phải thổi bùng trong các thế hệ hôm nay nhất là thế hệ trẻ khát vọng làm giàu chính đáng. Có niềm tin sâu sắc vào lý tưởng cách mạng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Vì vậy, để kế thừa có hiệu quả giá trị văn hóa dân tộc truyền thống trong đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa cần phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo làm cho giá trị văn hóa dân tộc truyền thống thấm sâu vào mỗi con người. Đặc biệt cần tập trung vào các giá trị tiêu biểu và cụ thể hóa nó với từng ngành, từng lĩnh vực để mọi người làm theo.
Ba là, tạo ra các điều kiện và môi trường xã hội thuận lợi làm cơ sở và động lực cho mỗi người phát huy tốt nhất giá trị văn hóa dân tộc truyền thống trong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Tiến hành công nghiệp hóa – hiện đại hóa là trách nhiệm của toàn xã hội, của mỗi người dân. Mỗi người thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ mà xã hội giao là đang góp phần vào sự nghiệp chung của đất nước. Trong mỗi con người Việt Nam luôn tiềm ẩn một hệ giá trị văn hóa dân tộc truyền thống, có những giá trị đang chảy trong huyết quản họ hàng ngày, hàng giờ. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng không phải lúc nào giá trị văn hóa dân tộc truyền thống cũng được thể hiện đầy đủ thành những hành động trong cuộc sống khi mà nhiều người còn phải đang vất vả vật lộn với cuộc sống mưu sinh. Do đó, vai trò của Đảng và Nhà nước trong việc tạo ra những điều kiện thuận lợi để mỗi người dân dù ở vị trí xã hội khác nhau đều có thể phát huy tốt nhất giá trị văn hóa dân tộc truyền thống trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu của công nghiệp hóa – hiện đại hóa là rất quan trọng. Thực hiện yêu cầu này Đảng và Nhà nước cần nghiên cứu và ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp hơn nữa để kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục giá trị văn hóa dân tộc truyền thống với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Thi đua trong lao động sản xuất được thực hiện với nhiều biện pháp, trong đó giá trị văn hóa dân tộc truyền thống luôn là chất kích thích quan trọng, mạnh mẽ để mỗi người ra sức làm giàu chính đáng cho bản thân và đóng góp ngày càng nhiều hơn cho đất nước. Đồng thời thực hiện tốt dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc: “lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng, xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc”([5]). Cùng với đó cần kết hợp và giải quyết tốt mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Tóm lại, công nghiệp hóa – hiện đại hóa là quá trình lâu dài, gian khổ. Kế thừa giá trị văn hóa dân tộc truyền thống có ý nghĩa sống còn trong tạo ra động lực tinh thần của quá trình này. Ý thức sâu sắc tầm quan trọng của vấn đề đó Đảng ta trong Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI tiếp tục nhấn mạnh vai trò to lớn của giá trị văn hóa dân tộc truyền thống đối với sự nghiệp cách mạng: “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc... Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống”([6]). Tư tưởng chỉ đạo này cần được quán triệt sâu rộng và đi vào thực tiễn để mỗi người Việt Nam đều có thể góp phần tích cực nhất trong thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
                                         Thạc sĩ Vũ Văn Bách
                                     Giảng viên Khoa Triết học, Trường Đại học Chính trị



1Trần Văn Giàu, Phương pháp luận về vấn đề văn hóa và phát triển, in trong Phương pháp luận về vai trò của văn hóa trong phát triển, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr.56.
2 Ủy ban quốc gia về thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa, Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa, Nxb. Văn hóa – thông tin, Hà Nội, 1992, tr.19.
3 Trần Văn Giàu, sđd, tr.56.
4 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.38.
5 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.240.
6 http://baodientu.chinhphu.vn/Tin-noi-bat/Nghi-quyet-Hoi-nghi-Trung-uong-9-khoa-XI/201435.vgp