Trải qua mấy nghìn năm dựng nước và
giữ nước dân tộc ta đã xây dựng nên hệ giá trị văn hóa dân tộc giàu bản sắc.
Chính hệ giá trị này đã giúp dân tộc ta vượt qua muôn vàn thử thách và trường
tồn đến ngày nay. Đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa, đất nước ta phải huy
động mọi nguồn lực, tiềm năng để thực hiện thắng lợi sự nghiệp này. Trong đó kế
thừa giá trị văn hóa dân tộc truyền thống là một nội dung quan trọng, tạo động
lực tinh thần to lớn cho công nghiệp hóa – hiện đại hóa đạt hiệu quả cao và bền
vững.
Việt
Nam
đang trên đà phát triển, chưa phải là nước giàu có. Nhưng không ai phủ nhận
Việt Nam
là nước có bề dày văn hóa đặc sắc. Sức sống mãnh liệt và giá trị văn hóa dân
tộc truyền thống được kiểm nghiệm qua thăng trầm của lịch sử. Bị đô hộ trong
nghìn năm bởi một nước vốn là trung tâm văn hóa thế giới nhưng dân tộc ta vẫn
vùng dậy để tự giải phóng và khẳng định bản sắc văn hóa của mình. Gần trăm năm
Pháp thuộc, ba mươi năm chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược,
dân tộc Việt Nam
vẫn giữ vững độc lập chủ quyền. Mặc dù bị chiến tranh tàn phá nặng nề, các nước
đế quốc bao vây cấm vận, trong khi hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa sụp đổ
nhưng Việt Nam vẫn đổi mới thành công và không ngừng lớn mạnh trên trường quốc
tế. Sức mạnh để dân tộc ta vượt qua những thử thách khốc liệt của lịch sử suy
cho cùng là sức mạnh văn hóa, bởi nếu không có một nền văn hóa đặc sắc với hệ
giá trị tiêu biểu thì nhân dân ta đã không thể tự vùng dậy được và có thể đã bị
đồng hóa. Đúng như nhà văn hóa học Trần Văn Giàu nhận xét: “Bị đô hộ hằng mấy
thế kỷ bởi một nước có văn hóa cao hơn nhiều và có dân số đông hơn gấp bội, mà
sau ngàn năm “ta vẫn là ta” hẳn không phải vì mũi tên nhọn hơn, bắp thịt cứng
hơn, mà chủ yếu nhờ văn hóa, nhờ đạo lý, nhờ hệ giá trị tinh thần của riêng
mình, chớ nếu lấy sức đọ sức, lấy số đọ số, thì dân Việt, nước Việt chỉ còn là
đối tượng của khảo cổ học”([1]).
Ngày
nay cũng vậy, văn hóa đang giữ vai trò đặc biệt quan trọng với mỗi quốc gia. Sự
thành bại của sự nghiệp cách mạng hay tồn vong của một đất nước phụ thuộc rất
lớn vào văn hóa. Bởi thế có nhà nghiên cứu cho rằng mất nước còn có thể lấy
lại, nhưng mất văn hóa là mất tất cả. Từ những thập niên cuối thế kỷ XX UNESCO
đã khuyến cáo: “Khi các mục tiêu tăng trưởng kinh tế được đặt ra mà tách rời
môi trường văn hóa thì kết quả thu được sẽ rất khập khiễng, mất cân đối cả về
mặt kinh tế lẫn văn hóa, đồng thời tiềm năng sáng tạo của mỗi dân tộc sẽ bị suy
yếu đi rất nhiều”([2]).
Đảng ta trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng luôn quan tâm đến phát huy vai
trò của văn hóa để giành, giữ vững độc lập tự do của dân tộc cũng như xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Nghiên cứu văn hóa từ hướng tiếp cận
giá trị là một trong những phương pháp phổ biến của triết học văn hóa. Văn hóa
và giá trị là hai thuật ngữ có lúc được hiểu là hai thuật ngữ cặp đôi bổ sung
cho nhau, thống nhất với nhau. Vì văn hóa chỉ chứa đựng cái đẹp, cái giá trị.
Nghiên cứu văn hóa theo hướng giá trị giúp chúng ta phân biệt văn hóa với các
khái niệm chỉ sự “tha hóa” của văn hóa như “phản văn hóa”, “phản giá trị”. Khi
đề cập đến văn hóa, người ta nhấn mạnh đến khía cạnh sáng tạo vật chất, tinh
thần của con người hàm chứa cái chân - thiện - mỹ. Còn khi nói đến giá trị văn
hóa là nhấn mạnh đến cái ẩn đằng sau, cái có tác dụng thúc đẩy các sáng tạo văn
hóa trong tiến trình lịch sử. Truyền thống có cả mặt tích cực và tiêu cực. Bàn
đến giá trị văn hóa dân tộc là nhấn mạnh mặt tích cực của truyền thống. Hơn nữa
đó phải là cái tích cực có tính phổ biến, bền vững, có tác dụng to lớn hướng
dẫn nhận thức và hành động của dân tộc. Truyền thống có sức mạnh tác động đến
hiện tại. Bởi một con người, một cộng đồng, một dân tộc muốn tiến lên trước hết
phải biết mình đang có những gì, để đi đến tương lai tươi sáng người ta phải
hướng về học hỏi quá khứ. Các giá trị văn hóa truyền thống có vai trò đặc biệt
quan trọng với thành công của một quốc gia. Kinh nghiệm của các nước là con
rồng của châu Á cho thấy họ luôn coi trọng những giá trị truyền thống. Họ không
phá vỡ mà cải biến những giá trị truyền thống để sử dụng. Họ xóa bỏ đi những
truyền thống đã lỗi thời, phát huy những cái còn thích hợp với xã hội ngày nay
và giữ gìn những cái sẽ còn ý nghĩa trong tương lai.
Đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ
quá độ. Sự nghiệp đó đòi hỏi phải phát huy những lợi thế của đất nước, tận dụng
mọi khả năng, nguồn lực làm nền tảng và động lực cho sự phát triển này. Trong
đó nhân tố văn hóa có vai trò quan trọng, nó bảo đảm sự phát triển kinh tế hài
hòa, cân đối, bền vững. Sự phát triển của công nghiệp hóa – hiện đại hóa không
chỉ cần khai thác những nguồn lực từ tự nhiên, quan trọng hơn là phải sử dụng
và phát huy tốt nhất các nguồn lực con người mà nguồn lực này lại nằm trong các
giá trị văn hóa. Chung quy lại, con người là vốn quý nhất. Khai thác giá trị
văn hóa dân tộc truyền thống chính là khơi dậy và nhân lên các nguồn sáng tạo
tiềm tàng trong mỗi con người Việt Nam, mang
lại cho con người khả năng khai thác tốt nhất các nguồn tài nguyên thiên nhiên
theo hướng nhân văn và bền vững. Sự khai thác này cũng khác với khai
thác các giá trị từ tự nhiên. Các giá trị từ tự nhiên càng khai thác càng cạn
kiệt, nhưng giá trị từ văn hóa dân tộc truyền thống càng khai thác lại càng
phong phú và không có giới hạn cuối cùng. Đúng như nhà văn hóa Trần Văn Giàu
nhận xét: “Tổ chức tăng sức mạnh lên gấp mười lần … văn hóa tăng sức mạnh lên
vô tận”([3]).
Giá trị văn hóa dân tộc truyền thống tồn tại khách quan dưới dạng tiềm
năng, nó chỉ thật sự sống lại và phát huy tác dụng trong sự nghiệp công nghiệp
hóa – hiện đại hóa khi có sự kế thừa. Kế thừa ở đây được xét theo quan điểm
biện chứng, không chỉ là bảo tồn, giữ gìn giá trị văn hóa dân tộc truyền thống
mà phải phát triển và nâng cao vai trò của những yếu tố này trong điều kiện
mới. Kế thừa ở đây bao hàm cả lọc bỏ và vượt gộp giá trị văn hóa dân tộc truyền
thống làm động lực cho công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Kế thừa giá trị văn hóa dân tộc truyền
thống trong đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa phải là cách làm sáng tạo.
Do đó, cần thực hiện tốt một số biện pháp cơ bản sau:
Một là, cần lựa chọn các giá
trị văn hóa dân tộc truyền thống tiêu biểu, có tác dụng to lớn làm động lực cho
sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Tùy theo hướng nghiên cứu, các nhà
văn hóa đã đưa ra một hệ giá trị văn hóa dân tộc truyền thống khác nhau. Dưới
góc độ nghiên cứu này, cần phải lựa chọn ba giá trị cơ bản là chủ nghĩa yêu
nước; tinh thần lao động cần cù; trí thông minh, sáng tạo để làm động lực cho
đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa hiện nay. Bởi vì, chủ nghĩa yêu nước là
giá trị cao nhất trong thang giá trị văn hóa dân tộc truyền thống, là sợi chỉ
đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam, “bộ lọc” của mọi giá trị, có tác dụng
định hướng các giá trị văn hóa dân tộc khác. Lịch sử cũng đã chứng minh khi nào
tinh thần yêu nước được phát huy cao độ thì dân tộc ta vượt qua được mọi khó
khăn thử thách, dù phức tạp đến đâu. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng
kết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của
ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi,
nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy
hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”([4]).
Yêu nước, trong chiến tranh biểu hiện cao
nhất là phải hy sinh tất cả để giành độc lập, tự do cho dân tộc, còn trong sự
nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa hiện nay yêu nước phải thể hiện ở khát vọng cao nhất là làm giàu cho Tổ quốc. Muốn
làm giàu cho Tổ quốc thì phải cần cù. Do đó, tinh thần lao động cần cù
phải được phát huy cao độ, “đem sức ta để giải phóng cho ta”. Mỗi người dân lao
động hăng say là điều kiện quyết định để “dân giàu, nước mạnh” và mới có thể
tận dụng điều kiện thuận lợi cũng như vượt qua khó khăn do hoàn cảnh thế giới
đem lại. Công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước cần phải có khoa học kỹ thuật
hiện đại. Việt Nam
là nước tiến hành công nghiệp hóa – hiện đại hóa sau nên có thể tham khảo và
rút kinh nghiệm từ các nước đi trước, song điều kiện mỗi nước rất khác nhau. Do
đó, trí thông minh, sáng tạo của con người Việt Nam cần được phát huy cao độ. Có như
vậy dân tộc ta mới có thể thực hiện những bước nhảy vọt để rút ngắn quá trình công
nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Hai là, cần cụ thể hóa các
phương thức biểu hiện giá trị văn hóa dân tộc truyền thống trong thời kỳ đẩy
mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa để mọi người dễ hiểu và chuyển hóa thành
hành động thiết thực. Nếu như giành độc lập tự do là khát vọng cháy bỏng của
các thế hệ cha anh đi trước thì phấn đấu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp
sánh vai với các cường quốc năm châu là mục tiêu cao cả mà thế hệ hôm nay phải
thực hiện. Hồ Chí Minh cũng đã từng nhấn mạnh “nếu
nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng
có nghĩa lý gì”. Do vậy, cần phải thổi bùng trong các thế hệ hôm nay nhất là
thế hệ trẻ khát vọng làm giàu chính đáng. Có niềm tin sâu sắc vào lý tưởng cách
mạng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Vì
vậy, để kế thừa có hiệu quả giá trị văn hóa dân tộc truyền thống trong đẩy mạnh
công nghiệp hóa – hiện đại hóa cần phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ
chức, lãnh đạo làm cho giá trị văn hóa dân tộc truyền thống thấm sâu vào mỗi
con người. Đặc biệt cần tập trung vào các giá trị tiêu biểu và cụ thể hóa nó
với từng ngành, từng lĩnh vực để mọi người làm theo.
Ba là, tạo ra các điều kiện và môi
trường xã hội thuận lợi làm cơ sở và động lực cho mỗi người phát huy tốt nhất
giá trị văn hóa dân tộc truyền thống trong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa
– hiện đại hóa. Tiến hành công nghiệp hóa – hiện đại hóa là trách nhiệm của
toàn xã hội, của mỗi người dân. Mỗi người thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ mà
xã hội giao là đang góp phần vào sự nghiệp chung của đất nước. Trong mỗi con
người Việt Nam
luôn tiềm ẩn một hệ giá trị văn hóa dân tộc truyền thống, có những giá trị đang
chảy trong huyết quản họ hàng ngày, hàng giờ. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng
không phải lúc nào giá trị văn hóa dân tộc truyền thống cũng được thể hiện đầy
đủ thành những hành động trong cuộc sống khi mà nhiều người còn phải đang vất
vả vật lộn với cuộc sống mưu sinh. Do đó, vai trò của Đảng và Nhà nước trong
việc tạo ra những điều kiện thuận lợi để mỗi người dân dù ở vị trí xã hội khác
nhau đều có thể phát huy tốt nhất giá trị văn hóa dân tộc truyền thống trong
thực hiện thắng lợi các mục tiêu của công nghiệp hóa – hiện đại hóa là rất quan
trọng. Thực hiện yêu cầu này Đảng và Nhà nước cần nghiên cứu và ban hành các cơ
chế, chính sách phù hợp hơn nữa để kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục
giá trị văn hóa dân tộc truyền thống với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu
nước. Thi đua trong lao động sản xuất được thực hiện với nhiều biện pháp, trong
đó giá trị văn hóa dân tộc truyền thống luôn là chất kích thích quan trọng,
mạnh mẽ để mỗi người ra sức làm giàu chính đáng cho bản thân và đóng góp ngày
càng nhiều hơn cho đất nước. Đồng thời thực hiện tốt dân chủ xã hội chủ nghĩa,
phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng và củng cố vững chắc khối
đại đoàn kết dân tộc: “lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập,
thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn
minh làm điểm tương đồng, xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai
cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc”([5]).
Cùng với đó cần kết hợp và giải quyết tốt mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân với
lợi ích tập thể, giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã
hội.
Tóm lại, công nghiệp hóa – hiện đại
hóa là quá trình lâu dài, gian khổ. Kế thừa giá trị văn hóa dân tộc truyền
thống có ý nghĩa sống còn trong tạo ra động lực tinh thần của quá trình này. Ý
thức sâu sắc tầm quan trọng của vấn đề đó Đảng ta trong Nghị quyết Trung ương 9
khóa XI tiếp tục nhấn mạnh vai trò to lớn của giá trị văn hóa dân tộc truyền
thống đối với sự nghiệp cách mạng: “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh
thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát
triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc... Phát huy các giá trị văn hóa
truyền thống”([6]).
Tư tưởng chỉ đạo này cần được quán triệt sâu rộng và đi vào thực tiễn để mỗi
người Việt Nam
đều có thể góp phần tích cực nhất trong thực hiện thắng lợi sự nghiệp công
nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Thạc sĩ Vũ Văn Bách
Giảng viên Khoa Triết
học, Trường Đại học Chính trị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét